Lượt xem: 987

Trần Đề chuẩn hóa sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), đến nay, huyện Trần Đề đã phát triển được 8 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Có thể thấy, chứng nhận OCOP có ý nghĩa quan trọng khi gia tăng doanh thu sản phẩm cho chủ thể, đồng thời giải quyết tốt vấn đề việc làm cho lao động nông thôn. Năm nay, công tác chuẩn hóa để các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống đủ tiêu chuẩn gắn sao OCOP tiếp tục được huyện Trần Đề chú trọng. Điều này cũng góp phần thực hiện tốt tiêu chí mới trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 3 năm 2022.

 


Sản phẩm của Cơ sở nước mắm Thanh Phương

 

    Nhận thấy sản lượng cá được đánh bắt khá lớn, đặc biệt là nguồn cá cơm, huyện Trần Đề hiện đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất nước mắm với quy mô khá lớn, trong đó có cơ sở nước mắm Thanh Phương. Nhận thấy nhiều sản phẩm nước mắm trên thị trường hầu hết đã qua pha chế công nghiệp, nên chất lượng sản phẩm giảm, cơ sở Thanh Phương đã thực hiện quy trình ủ trực tiếp (trong thùng ủ) từ nguồn cá cơm tươi để tạo ra những giọt nước mắm thơm, ngon mang nét đặc trưng riêng. Bên cạnh duy trì quy trình chế biến truyền thống, cơ sở còn đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại trong khâu chiết xuất nhằm đảm bảo tuân thủ tuyệt đối điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này không chỉ giúp cơ sở giữ vững uy tín trên thị trường, mà còn đáp ứng đầy đủ tiêu chí để trở thành sản phẩm tiếp theo của huyện Trần Đề được gắn sao OCOP theo mục tiêu chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Anh Lý Sinh - Công ty TNHH TMDV Thanh Phương cho biết: “Để sản phẩm được công nhận OCOP, cơ sở chúng tôi đáp ứng đầy đủ các giấy tờ mà Hội đồng đánh giá, xếp hạng OCOP cấp tỉnh yêu cầu. Trên nhãn mác sản phẩm chúng tôi cũng ghi rõ các thông tin về tên cơ sở, địa chỉ, liệt kê rõ các chất phụ gia đã sử dụng... Mong muốn sản phẩm đạt chứng nhận OCOP để nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến sản phẩm được làm tại tỉnh của mình. Nếu lúc trước phải đi Phú Quốc mới có nước mắm thì giờ đây, ngay tại tỉnh mình, người dân cũng sẽ được thưởng thức nước mắm thơm ngon từ dòng kho, ăn sống đến cao đạm”.

    Riêng tại xã Đại Ân 2, Chương trình OCOP năm nay được địa phương đặc biệt quan tâm, bởi để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay theo kế hoạch, địa phương phải có ít nhất một sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên theo bộ tiêu chí mới nhất về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Sản phẩm bánh pía của hộ kinh doanh Quang Hưng ở p Chợ là sản phẩm được địa phương lựa chọn để phát triển thành sản phẩm OCOP trong năm nay. Chính vì vậy, bên cạnh tuân thủ tốt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu từ làm bột, phối trộn nhân,... cơ sở còn được địa phương hỗ trợ thiết kế lại bao bì, mẫu mã để sản phẩm trở nên bắt mắt hơn. Mặc dù vẫn giữ quy trình làm bánh chủ yếu bằng thủ công, nhưng nhờ khẳng định được chất lượng, mà bánh pía thương hiệu Quang Hưng vẫn là sản phẩm được người dân địa phương tin dùng. Ông Dương Minh Châu - hộ kinh doanh Quang Hưng, p Chợ, xã Đại Ân 2 cho biết thêm: “Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng hơn 100kg, khi nào hết bánh mình mới làm, chủ yếu là bán lẻ tại địa phương. Tham gia OCOP vì tôi mong muốn sản phẩm được quảng bá rộng rãi hơn”.

    Trong năm 2022, huyện Trần Đề đặt mục tiêu chuẩn hóa 3 sản phẩm OCOP bao gồm: Sản phẩm nước mắm Thanh Phương, bánh pía Quang Hưng và đông trùng hạ thảo Thuận Phát. Được sự hỗ trợ từ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện nay các chủ thể có sản phẩm được xét chọn đã cơ bản hoàn tất hồ sơ, thủ tục cần thiết, chuẩn bị tham gia bình xét từ Hội đồng đánh giá, xếp hạng OCOP cấp huyện để dự thi vòng đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Đồng chí Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề thông tin thêm: “Huyện ủy, UBDN huyện có chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức vận động, tuyên truyền để người dân tích cực tham gia chương trình này. Trước mắt là tạo điều kiện để mỗi xã trên địa bàn huyện có một sản phẩm đặc trưng để tham gia vào thị trường thương mại chung. Đối với sản phẩm khi được công nhận OCOP thì giá trị trên đơn vị sản phẩm đó tăng rất cao, do đó chúng tôi cố gắng phối hợp cùng các địa phương tổ chức bình chọn sau đó gửi dự thi cấp tỉnh nhằm đạt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm”.


Bánh pía Quang Hưng

 

    Cùng với việc chuẩn hóa thêm nhiều sản phẩm mới, huyện Trần Đề cũng đang phối hợp cùng các địa phương có sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP tiếp tục nỗ lực “giữ sao” cho sản phẩm thông qua việc nâng cao chất lượng, cải tiến thêm về bao bì, mẫu mã để có đủ điều kiện được tái công nhận. Với sự vào cuộc tích cực từ chính quyền địa phương, sự hưởng ứng mạnh mẽ từ hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, chương trình OCOP đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho nhiều địa phương trên địa bàn huyện Trần Đề; làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn - là nền tảng vững chắc trong xây dựng nông thôn mới bền vững.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 87
  • Hôm nay: 13986
  • Trong tuần: 103,368
  • Tất cả: 11,698,019