Lượt xem: 55

Đời sống hộ dân Khmer ở Kế Sách phát triển vượt bậc

Huyện Kế Sách có 13 xã, thị trấn với 86 ấp, trong đó 16 ấp thuộc 6 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số là: Kế Thành, Thới An Hội, An Mỹ, Trinh Phú, Đại Hải và thị trấn Kế Sách. Toàn huyện có 44.241 hộ, trong đó hộ dân tộc thiểu số là 5.234 hộ, chiếm gần 13% dân số toàn huyện. Những năm qua, huyện Kế Sách đã triển khai các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và địa phương để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế gia đình, nhất là những hộ Khmer có hoàn cảnh khó khăn, nhờ đó đời sống bà con có nhiều đổi mới, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

    Để tìm hiểu về sự đổi thay của hộ dân Khmer thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn huyện Kế Sách, chúng tôi đến thăm gia đình bà Lâm Thị Hồng, ở ấp An Ninh 1, thị trấn Kế Sách. Mở đầu câu chuyện, bà mời chúng tôi ra xem đàn bò lên đến gần cả trăm con được nuôi trong chuồng. Bà Hồng tâm sự: “Lúc mới lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng không có đất sản xuất và nơi ở chỉ là cái chòi lá nhỏ cất trên phần đất được gia đình cho. Để có tiền sinh hoạt hằng ngày, vợ chồng đi làm cỏ, cắt lúa mướn. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, năm 2010, địa phương đã hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, số tiền 50 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với vợ chồng tôi. Tôi đã dùng số tiền này xây dựng chuồng và mua 20 con bê về nuôi vỗ béo và nuôi làm giống nhằm gây dựng đàn bò”.


Bà Lâm Thị Hồng, ấp An Ninh 1, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách bên đàn bò cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Thúy Liễu

 

    “Qua hơn 1 năm, tôi đã lựa chọn giữ lại bò tốt để làm bò sinh sản, còn bò không đạt tiêu chuẩn giống sẽ bán làm bò thịt. Hơn 14 năm chăn nuôi bò, số lượng bò tôi xuất bán lên đến hàng ngàn con, trong đó có cả bò thịt và bò giống. Hiện tại, tổng số bò sinh sản tôi có là 20 con, còn lại đa số là bò nuôi để bán thịt. Bò nuôi bán thịt, chủ yếu tôi mua những con bê về nuôi dưỡng đến lớn để bán hơi và xẻ thịt bò để cung ứng thịt tại các chợ truyền thống. Theo tính toán, 1 năm bình quân tôi xuất bán khoảng 400 con bò, bao gồm bò giống, bò hơi và bò xẻ thịt, trừ chi phí thu nhập hơn 1 tỷ đồng”, bà Lâm Thị Hồng chia sẻ thêm.

    Hòa thượng Trần Kiến Quốc - Chi hội trưởng Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Kế Sách, Trụ trì Chùa Kom Pong Chum, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, cho biết: “Nhiều năm qua, nhờ có các chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể huyện và các địa phương trong triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đất ở, nhà ở, cho vay vốn phát triển sản xuất, xây dựng sân thể thao tại các điểm chùa… mà đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, sư sãi Khmer không ngừng được nâng cao. Các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật; các ngôi chùa được xây dựng, trùng tu đảm bảo theo văn hóa truyền thống của người Khmer, đáp ứng nhu cầu trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương, các vị sư sãi và ban quản trị các chùa, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến phật tử trong xóm, ấp…”.

    “Trong năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trên 38 tỷ đồng), huyện đã đầu tư xây dựng 9 công trình giao thông nông thôn, hỗ trợ đất ở cho 46 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 248 hộ, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 1.699 hộ. Ngoài ra, đồng bào Khmer còn được hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, huyện còn mở lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào Khmer. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer của huyện giảm còn 18% (giảm hơn 8% so với năm 2022).

    Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm góp phần cải thiện và nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn huyện, trong đó có đồng bào Khmer”, đồng chí Cao Minh Thơm - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách, thông tin.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 74
  • Hôm nay: 1529
  • Trong tuần: 71,956
  • Tất cả: 11,803,963