Lượt xem: 111

Phát huy vai trò của công tác quan trắc môi trường trong nuôi tôm nước lợ

“Nhất nước, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ” đã trở thành phương châm hàng đầu trong nghề nuôi tôm nước lợ. Điều này cho thấy, nguồn nước đóng vai trò quan trọng quyết định đến hiệu quả sản xuất, đặc biệt là hạn chế rủi ro phát sinh dịch bệnh liên quan yếu tố môi trường. Đồng hành cùng quá trình phát triển nghề nuôi, bên cạnh khuyến cáo về khung lịch thời vụ và giám sát dịch bệnh, công tác quan trắc môi trường phục vụ nghề nuôi tôm nước lợ luôn được Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng chú trọng, nhằm kịp thời giúp bà con nuôi tôm chủ động được nguồn nước đảm bảo chất lượng phục vụ cho nhu cầu sản xuất hằng năm.

    Đối với tỉnh Sóc Trăng, lĩnh vực thủy sản đã và đang đóng vai trò góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó, công tác chỉ đạo điều hành sản xuất luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.


Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thực hiện quan trắc môi trường nước tại Hợp tác xã Nông ngư Phú Lợi, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

 

    Theo số liệu báo cáo của Sở Công Thương, xuất khẩu thủy sản của tỉnh Sóc Trăng năm 2023 đạt 950 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu dù đạt thấp hơn so cùng kỳ, nhưng nhìn chung tình hình sản xuất thủy sản của tỉnh trong năm 2023 cơ bản đạt và vượt kế hoạch về diện tích, sản lượng đề ra. Để đạt được kết quả như trên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục vụ cho nghề thủy sản của tỉnh nói chung, đặc biệt là lĩnh vực nuôi tôm nước lợ nói riêng, bao gồm các công tác như: Tăng cường thông tin tuyên truyền các quy định về Luật Thủy sản 2017; các quy định trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản; tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, người nuôi tôm, áp dụng các quy phạm thực hành nuôi tốt (VietGAP), nhận thức về bảo vệ môi trường; công tác liên kết thị trường tiêu thụ, vật tư đầu vào, quản lý nguồn tôm giống nhập tỉnh; thanh tra kiểm tra chất lượng thức ăn, vật tư đầu vào; đặc biệt là công tác giám sát dịch bệnh, quan trắc môi trường nước…

    Một khi môi trường và chất lượng nước phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa đảm bảo sẽ làm tăng chi phí xử lý môi trường, tồn tại nguy cơ gây phát sinh dịch bệnh; từ đó làm giảm lợi nhuận sản xuất, thậm chí là rủi ro trong quá trình nuôi ngày càng cao. Vì vậy, việc triển khai công tác quan trắc môi trường được xem là giải pháp quan trọng để cơ quan chuyên môn kịp thời khuyến cáo người nuôi chọn lựa thời điểm tốt nhất để thả giống. Đồng thời, có giải pháp phòng ngừa ngay từ đầu để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

    Đồng chí Đồ Văn Thừa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Hiện tại, Chi cục Thủy sản cũng đã phối hợp với các địa phương xây dựng 28 điểm ở 5 huyện thuộc vùng nuôi tôm để thực hiện công tác quan trắc môi trường. Cụ thể, ở vụ tôm năm 2024, chúng tôi bắt đầu thực hiện từ tháng 01 với tần suất 2 tuần 1 lần. Tuy nhiên, trước tình hình nắng nóng kéo dài, từ tháng 3, tháng 4 và tháng 5, chúng tôi thực hiện lấy mẫu để đo các yếu tố môi trường 1 tuần 1 lần. Bên cạnh đó, đơn vị cũng khuyến cáo đối với các vùng nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện nuôi và cụ thể là không chủ động được nguồn nước, để hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng, vi bào tử trùng và các yếu tố môi trường bất lợi thì hạn chế không thả nuôi vào các khoảng thời gian mà thời tiết khắc nghiệt như dự báo: tháng 3 thời tiết nắng nóng, độ mặn cao và tháng 6 - 7 thời tiết mưa dầm. Đối với các trang trại, doanh nghiệp nuôi quy mô lớn có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu điều kiện nuôi, các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, ao nuôi lót bạt, quy trình nuôi 02 giai đoạn, có thể bố trí rải vụ quanh năm nhưng cần phải chủ động trữ nước, xử lý nước, có giải pháp ứng phó kịp thời khi có thời tiết bất lợi xảy ra và đảm bảo tốt công tác xả thải để góp phần bảo vệ môi trường vùng nuôi”.

    Thực tế cho thấy, hoạt động quan trắc môi trường phục vụ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được triển khai trong thời gian qua đã và đang mang lại hiệu quả tích cực đối với người nuôi tôm. Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung; đánh giá, tính toán chỉ số chất lượng nước cho vùng nuôi thủy sản lợ và mặn, giúp người nuôi tránh được rủi ro thiệt hại do tác động từ các cống cung cấp nước phục vụ nuôi tôm như: Cống Xà Mách, cống Tầm Vu, cống Sáu Quế 1, có độ mặn từ 6 - 14‰. Độ mặn ngoài tự nhiên dao động cao tùy theo con nước, nên việc thực hiện công tác quan trắc môi trường sẽ giúp hộ nuôi xác định được chính xác thời điểm thích hợp để kịp lấy nước vào ao, cũng như nắm rõ các loại dịch bệnh đang xuất hiện tại ao nuôi, vùng nuôi, từ đó chủ động biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Anh Nguyễn Minh Toàn, hộ nuôi tôm ở xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, cho biết thêm: “Hiện nay, tình hình nuôi tôm trên địa bàn cũng như trên cả nước hết sức khó khăn. Các vấn đề về con giống, dịch bệnh và biến đổi khí hậu hiện ảnh hưởng nhiều đến người sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản đã giúp bà con giảm được tối thiểu nguồn bệnh để có biện pháp xử lý trước khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng”.

    Riêng tại HTX Nông ngư Phú Lợi, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, từ đầu vụ đến nay, độ mặn tại vùng nuôi dao động không ổn định, nguồn nước sông khá ô nhiễm nên nhiều thành viên chưa mạnh dạn thả nuôi, phần lớn bà con đang tập trung làm tốt các khâu cải tạo ao và xử lý nước. Từ thực tế này, việc triển khai thực hiện quan trắc môi trường rất được HTX ủng hộ. Bởi thông qua công tác đo đạc, phân tích, các kết quả quan trắc môi trường và dịch bệnh sẽ được cơ quan chuyên môn thông tin kịp thời cho HTX thông qua các tổ, nhóm trên hệ thống zalo. Từ đó, giúp HTX xây dựng phương án thả nuôi phù hợp để đạt hiệu quả sản xuất tối ưu nhất.

    Anh Lê Hồng Phúc - Giám đốc HTX Nông ngư Phú Lợi, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, chia sẻ: “Quan trắc môi trường là vấn đề quan trọng hàng đầu trong nuôi tôm. Nếu quan trắc môi trường tốt thì khi thả nuôi sẽ ít rủi ro hơn, bởi vì khi nước bị ô nhiễm hoặc chỉ số có biến đổi bất thường, bà con đâu biết được. Nhờ các thông tin được ngành chức năng kiểm tra, đo đạc, bà con mới mạnh dạn thả nuôi”.

    Tính đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2024 của tỉnh Sóc Trăng đạt khoảng 16.000 ha. Hiện tại, độ mặn ngoài tự nhiên dao động cao tùy theo con nước nên ngành chuyên môn đề nghị người nuôi cần thường xuyên đo đạc môi trường, chuẩn bị ao lắng, ao chứa để sẵn sàng lấy nước vào ao nuôi khi có độ mặn thích hợp từ 5‰ trở lên. Để đảm bảo một vụ sản xuất thành công, ngành Thủy sản khuyến cáo người nuôi cần thực hiện tốt phương châm “nuôi nước trước khi nuôi tôm” để đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh. Đồng thời, cân nhắc việc tiến hành thu hoạch sớm khi tôm nhiễm bệnh để hạn chế lây lan, xử lý thật kỹ ao nuôi trước khi thả nuôi lại nhằm cắt đứt hoàn toàn mầm bệnh còn tồn lưu.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 30
  • Hôm nay: 1239
  • Trong tuần: 72,460
  • Tất cả: 11,813,051