Lượt xem: 284

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới - nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên

Ngày 19/3/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới (Chỉ thị số 31).

    Đánh giá của Chỉ thị số 31 cho thấy: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ tai nạn lao động nghiêm trọng giảm. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và xã hội được nâng lên. Chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tiếp tục được hoàn thiện, mở rộng phạm vi áp dụng cho khu vực không có quan hệ lao động... Tuy nhiên, công tác an toàn, vệ sinh lao động chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ tai nạn lao động chưa giảm, bệnh nghề nghiệp chưa được quan tâm, nhất là trong khu vực không có quan hệ lao động... Qua đó cho thấy, cần phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

    Thực tế cũng chứng minh, năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Về bệnh nghề nghiệp, năm 2023 khám, phát hiện 696 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,1% số người được khám. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2023 là 600 người. Số người lao động được khám sức khỏe năm 2023 là 2.479.320. Tỷ lệ sức khỏe loại yếu (loại 4 và 5) là 8,9%. So với năm 2022, tai nạn lao động chết người giảm 8,06% số vụ, số người chết giảm 7,29%; giảm 4,2% số vụ tai nạn, và số người bị tai nạn lao động cũng giảm 4,7%. Tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Cụ thể, số vụ có người chết giảm 11,44%, số người chết giảm 10,92%. Tuy nhiên, tai nạn trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng tăng nhẹ sau 4 năm giảm liên tiếp. Khu vực này trong năm qua ghi nhận 59 vụ tai nạn chết người làm 169 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỉ đồng và hơn 149.770 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động (theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Con số thiệt hại về người và vật chất vẫn còn khá cao. Do đó, cần thiết phải tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

    Ở Sóc Trăng, số vụ tai nạn lao động tuy chưa được thống kê chính xác, nhưng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Đặc biệt năm 2023, xảy ra 1 vụ tai nạn lao động tại một hố ga thuộc hệ thống cống thu gom nước thải công nghiệp, đường N2, Khu Công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng. Tuy chỉ chiếm 0,2% số người chết trong tổng số người chết do tai nạn lao động của cả nước nhưng cũng cho thấy sự phức tạp trong phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro về tai nạn lao động. Bởi các vụ tai nạn lao động chết người đều mang đến sự mất mát to lớn cho từng gia đình có người thân bị chết vì người mất đi thường là trụ cột chính về thu nhập cho gia đình. Ngoài ra cũng cho thấy, tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục tổ chức thường xuyên các hoạt động thuộc Chương trình an toàn, vệ sinh lao động như: Rà soát, thống kê số người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại các hợp tác xã, tổ hợp tác và đối tượng lao động tự do, lao động gia đình trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền nhân Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động... để thực hiện tốt hơn nữa công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

    Chỉ thị số 31 cũng chú trọng 8 nhiệm vụ và giải pháp đặt ra. Trong đó có những nội dung cần chú ý như: Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu... Đặc biệt là chú ý đến những chỉ tiêu như: phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỷ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.

    Chỉ thị cũng yêu cầu thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động. Tạo điều kiện cho người lao động, nhất là người làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động được tiếp cận thông tin về những vấn đề liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa. Đổi mới nội dung, đa dạng hoá hình thức thông tin, tuyên truyền... Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các cơ quan báo chí trong vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hoá an toàn lao động trong hội viên, đoàn viên và nhân dân... Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, tiếp nhận và báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Song song đó, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là các ngành lao động, y tế, môi trường với địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chú trọng khu vực không có quan hệ lao động. Kịp thời phát hiện, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, mô hình hay, cách làm hiệu quả và xử lý nghiêm vi phạm, nhất là tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động.

    Chỉ thị 31 được phổ biến đến các chi bộ, cho thấy đây là nhiệm vụ cấp bách cần phải được nhanh chóng triển khai ngay ở cấp cơ sở, từ đó thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.

Thanh Khiết



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 143
  • Hôm nay: 8688
  • Trong tuần: 87,675
  • Tất cả: 11,613,771