Lượt xem: 229

Sóc Trăng quan tâm thúc đẩy ngoại giao kinh tế

Bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam”, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm làm tốt công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

    Công tác ngoại giao được tăng cường

    Xác định tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch hành động số 173/KH-UBND giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Nghị quyết số 21/NĐ-CP ngày 20 tháng 2 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2026 (gọi tắt là Nghị quyết 21) thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được giao trong Nghị quyết 21, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đất nước, của địa phương, tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy, làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực và của các địa phương với các đối tác (nước ngoài); đồng thời tháo gỡ các vướng mắc trong hợp tác quốc tế.


Đồng chí Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh tiếp đón đoàn công tác Bộ Phát triển Quốc tế Canada đến thăm, làm việc tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hoàng Lan

 

    Chỉ tính riêng trong năm 2023, tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức xúc tiến đầu tư, tổ chức nước ngoài như: Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Hiệp hội hữu nghị Nhật Việt… để trao đổi thông tin, giới thiệu đến nhà đầu tư về tiềm năng, lợi thế khi đầu tư tại tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh đã làm việc với Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu các loại hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức Hội thảo về đầu tư Cảng biển Trần Đề thu hút hơn 100 đại biểu, nhằm giới thiệu về quy mô, dự án và tiềm năng, lợi thế của cảng biển để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Để kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ấn Độ, Sóc Trăng chủ động phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại ngành thủy sản Việt Nam - Ấn Độ tại Sóc Trăng. Song song đó, tỉnh tăng cường liên kết, kết nối với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, kinh tế biển, giao thông vận tải… Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai, thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương trong xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới.

    Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Sóc Trăng không ngừng nỗ lực nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), trong đó chú trọng các giải pháp khắc phục hạn chế trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh (chủ yếu là các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp như: Tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động…), để tạo lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh thường xuyên tổ chức gặp gỡ, họp mặt và tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như lắng nghe, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

    Đạt nhiều kết quả tích cực

    Với sự nỗ lực trong ngoại giao kinh tế đã tạo tiền đề quan trọng để tỉnh Sóc Trăng thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư vào địa phương. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 21 dự án FDI với tổng mức đầu tư trên 23.429,4 tỷ đồng (tương đương 1.028,84 triệu USD), trong đó, dự án ngoài khu công nghiệp là 14 dự án. Các dự án FDI hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực điện gió, may mặc, giày da, chế biến thủy sản và kinh doanh hạ tầng công nghiệp. Các dự án FDI đã và đang góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động tại địa phương.


Hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hoàng Lan

 

    Ngoài ra, tỉnh tận dụng cơ hội các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại, nhờ đó giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giữ vững, ổn định, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2023 đạt 5,77%. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thực hiện năm 2023 đạt khoảng 1.500 triệu USD, đạt 100% kế hoạch; trong đó xuất khẩu thủy sản đạt 925 triệu USD, gạo đạt 450 triệu USD, may mặc đạt 120 triệu USD, hàng nông sản đạt 1 triệu USD và mặt hàng khác 4 triệu USD. Thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng khoảng 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, EU… đây là những thị trường khó tính. Kết quả này phản ánh sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp đã làm tốt công tác ngoại giao kinh tế.

    Cũng nhờ làm tốt công tác ngoại giao kinh tế, thời gian qua Sóc Trăng đã vận động được nguồn viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 chương trình, dự án, khoản viện trợ phi dự án của 6 tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai hoạt động, với tổng kế hoạch vốn viện trợ năm 2023 là 456.278 USD. Phần lớn các khoản viện trợ hoạt động trên các lĩnh vực phát triển nông thôn tổng hợp, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

    Với những kết quả đạt được cho thấy, ngoại giao kinh tế đã và đang góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới tỉnh Sóc Trăng cần có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, thực chất theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Trong đó, tập trung phát huy thế mạnh sẵn có, duy trì môi trường đầu tư thuận lợi, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại tỉnh. Tăng cường mở rộng và phát triển thêm các quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Sóc Trăng với các địa phương, vùng lãnh thổ. Khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào tỉnh Sóc Trăng tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, kiều bào đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Sóc Trăng... phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ để cùng phát triển ổn định, bền vững.

Hoàng Lan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 32
  • Hôm nay: 849
  • Trong tuần: 72,070
  • Tất cả: 11,812,661