Lượt xem: 200

Sóc Trăng sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 09/7/2021, Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chương trình, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của các đối tượng thụ hưởng chính sách.

    Các cấp uỷ, chính quyền kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các văn bản tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, các đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn, góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.


Ông Liên Phol trong ngôi nhà tươm tất vừa được nhà nước hỗ trợ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh Huy Minh

 

    Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, toàn tỉnh đã tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề, cấp thẻ bảo hiểm y tế, lắp đặt miễn phí đồng hồ nước, kéo điện lưới sinh hoạt: Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 509 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 373 hộ; tổ chức 100 lớp đào tạo nghề với nhiều ngành nghề cho khoảng 2.280 học viên, với kinh phí trên 8.658,383 triệu đồng; từ nguồn vốn vận động xã hội hoá đã xây dựng 3.496 căn nhà cho hộ nghèo, với kinh phí 174.800 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 128.788 lượt hộ nghèo, 184.601 lượt hộ cận nghèo, bảo đảm 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đều có thẻ bảo hiểm y tế; dự án cung cấp điện, điện hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số, đã triển khai điện hoá 8.500 hộ, nâng tổng số hộ có điện là 377.580 hộ; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo 21 công trình điện, với tổng số tiền là 77.281 triệu đồng. Thực hiện Quyết định số 2800/QĐ-UBND, ngày 20/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đã lắp đặt miễn phí 433 đồng hồ nước cho hộ nghèo, miễn thu tiền sử dụng nước với tổng số 297.492m3. Thực hiện Quyết định số 3356/QĐ-BNN-KH, ngày 26/7/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến đầu tư xây dựng 22 công trình (xây mới 4 công trình cấp nước tập trung và nâng cấp, mở rộng đường ống 18 công trình, tổng chiều dài đường ống cấp nước là 588.151m, cấp nước 17.145 hộ dân, với tổng số tiền 186.098 triệu đồng; bao gồm, vốn trung ương 89.511 triệu đồng, vốn địa phương 96.587 triệu đồng),... cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thụ hưởng các công trình, dự án, từng bước phát triển kinh tế gia đình, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực, nhóm dân cư.

    Các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 188/NQ-HĐND, ngày 24/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh và các kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, qua 3 năm (2021 - 2023) đã tổ chức tư vấn, tuyển sinh và đào tạo 29.705 người (trong đó có khoảng 4.670 người là đồng bào dân tộc thiểu số), tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm đạt trên 90%; giải quyết việc làm cho 43.880 lao động (trong đó có trên 7.800 người là đồng bào dân tộc thiểu số); đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 317 người (trong đó có 26 người là đồng bào dân tộc thiểu số), tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm ở các địa phương, giao dịch trực tuyến và tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, với 6.676 người được tư vấn. Các chính sách tín dụng ưu đãi cũng được triển khai đồng bộ, kịp thời, cụ thể: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hỗ trợ 405 lượt hộ vay vốn chuyển đổi nghề, với số tiền 19.618 triệu đồng; các chính sách tín dụng ưu đãi khác đã hỗ trợ 51.604 lượt hộ vay (trong đó có 13.335 hộ dân tộc thiểu số); đồng thời, từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ 12.665 lao động bị mất việc làm tự tạo việc làm, người lao động đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn làm kinh tế gia đình hoặc khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng việc làm, thu nhập cho người lao động.

    Việc triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 cùng với các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả tích cực; hộ nghèo, hộ cận nghèo đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập, các nhu cầu xã hội thiết yếu cơ bản được đáp ứng.

    Bên cạnh đó, việc phát triển giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp; chính sách bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em là những vấn đề được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt.

    Công tác phát triển giáo dục và đào tạo tiếp tục được các ngành, các cấp chăm lo triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt các chế độ đối với cán bộ quản lý, giáo viên và chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số luôn quan tâm và thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng theo quy định. Chất lượng giáo dục dân tộc chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất trường, lớp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các trường phổ thông dân tộc nội trú từng bước được đầu tư theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo (tỷ lệ tốt nghiệp trung học học sinh dân tộc thiểu số ổn định, hằng năm trên 96%), trung bình hằng năm có 35 - 40 học sinh dân tộc thiểu số trúng tuyển vào trường dự bị đại học, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi vào các cấp học tăng dần theo từng năm học; tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học giảm dần: Năm học 2019 - 2020 là 1,16% đến năm học 2021 - 2022 là 1,12%; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng và đại học tương đương 1/3 số học sinh tốt nghiệp hằng năm.

    Các chương trình, dự án chính sách đầu tư phát triển giáo dục tiếp tục được triển khai đồng bộ, kịp thời; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã phân bổ 195.093,878 triệu đồng để triển khai các nội dung như: Xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng; tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường phổ thông dân tộc nội trú; tập huấn nghiệp vụ xoá mù chữ cho cán bộ chuyên ngành giáo dục; tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học, bồi dưỡng kiến thức dân tộc, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp (tổ chức tập huấn cho 625 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường phổ thông dân tộc nội trú về công tác quản lý, năng lực quản lý tài chính, tài sản, công tác chủ nhiệm; tập huấn nghiệp vụ xoá mù chữ cho 220 đại biểu là đại diện lãnh đạo và chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo, cán bộ phụ trách trung tâm học tập cộng đồng và giáo viên tham gia thực hiện công tác xoá mù chữ ở các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức 10 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đối tượng 4 với khoảng 900 lượt người tham dự; 100 lớp đào tạo nhiều ngành nghề cho khoảng 2.280 học viên; 3 đợt tập huấn gồm 12 lớp với số lượng 1.164 học viên tham dự nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp); đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách giáo dục khác có liên quan theo các nghị định, quyết định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ban ngành Trung ương và các chương trình, đề án, chính sách giáo dục và đào tạo của tỉnh, với nguồn kinh phí là 83.939,59 triệu đồng và công tác xã hội hóa giáo dục đã thu hút đầu tư hiệu quả cho giáo dục ngoài công lập xây dựng trường, nhóm lớp ngoài công lập và mua sắm thiết bị dạy học trên 10.000 triệu đồng.

    Các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án về y tế, dân số tiếp tục được các ngành, các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ, cụ thể như: Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc đồng bào dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình y tế dự phòng; qua đó, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị y tế, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho đội ngũ y, bác sĩ nhằm đáp ứng tốt các nhiệm vụ được giao; các chính sách bảo hiểm y tế, chương trình kế hoạch hóa gia đình, công tác phòng, chống dịch bệnh,... được triển khai kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân (đến nay, có 100% xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế; có 97/109 trạm y tế có bác sĩ, 775 khóm, ấp có cán bộ y tế, 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi chiếm 15% và 98,8% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong vùng đồng bào dân tộc đạt 0,996%; tuổi thọ bình quân ngày càng được nâng lên).

    Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp, các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư xây dựng. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã phân bổ 24.520 triệu đồng để triển khai các chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các sản phẩm du lịch đặc trưng về loại hình du lịch văn hóa lễ hội của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của vùng, khu vực, địa phương; qua đó, vừa góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, vừa giữ gìn và tôn tạo những nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

    Các cấp, các ngành quan tâm triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông, vận động nâng cao nhận thức làm thay đổi “nếp nghĩ, nếp làm”, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu về giới trong gia đình và cộng đồng vùng đồng bào trong giai đoạn 2021 - 2023, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phân bổ 1.161,800 triệu đồng, tổ chức thực hiện 21 cuộc cho trên 5.000 lượt người và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, công chức làm công tác dân tộc, cán bộ các hội đoàn thể cấp huyện, cấp xã, người có uy tín, các vị achar, ban quản trị chùa và cấp phát 23.200 tờ gấp pháp luật song ngữ (Việt - Khmer), 3.200 cuốn Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, 3.200 cuốn Luật Bình đẳng giới năm 2006, 3.200 cuốn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 cho các điểm chùa và các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số,…). Qua thời gian triển khai thực hiện, nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội, gia đình và bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ trong thời kỳ mới đã có sự chuyển biến tích cực, thu hẹp khoảng cách về giới, tạo điều kiện thuận lợi để nữ giới được phát huy khả năng và phát triển bản thân. Nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

    Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được các cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể quan tâm, thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả thông qua việc thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

    Nhìn chung, qua 3 năm triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về công tác dân tộc và việc triển khai chính sách dân tộc, nhất là về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tập trung các nguồn lực, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 và các chương trình, dự án chính sách dân tộc có liên quan. Kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư ngày càng đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; tình hình kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

Hồng Nhi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 55
  • Hôm nay: 2077
  • Trong tuần: 91,459
  • Tất cả: 11,686,110