Lượt xem: 104

Sóc Trăng tăng cường kiểm tra tôm giống nhập tỉnh

Tỉnh Sóc Trăng là một trong những vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm của cả nước với diện tích thả nuôi hằng năm luôn đạt trên 50.000 ha. Dù vậy, nguồn tôm giống phục vụ nhu cầu sản xuất tại tỉnh còn khá hạn chế, phụ thuộc khoảng 75% con giống được nhập từ các tỉnh bạn. Xác định chất giống là yếu tố quyết định 50% sự thành công của vụ nuôi, ngay từ đầu năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra nguồn tôm giống nhập tỉnh, đảm bảo nguồn giống an toàn dịch bệnh trước khi được tiến hành thả nuôi.

    Qua rà soát, thống kê, tỉnh Sóc Trăng hiện có 58 cơ sở giống tôm nước lợ còn hoạt động. Hiện nay, các trại giống trong tỉnh chủ yếu là các cơ sở ương dưỡng, phần lớn nguồn tôm giống chủ yếu nhập từ các tỉnh miền Trung, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bạc Liêu. Do đó, để quản lý, kiểm soát tốt chất lượng con giống nhập tỉnh, công tác phối hợp kiểm tra liên ngành để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển giống không có giấy kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và thu mẫu giám sát dịch bệnh trên tôm giống là rất cần thiết.


Kiểm tra an toàn sinh học tại trại ương dưỡng tôm giống.

 

    Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu... thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý giống và phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Trong 3 tháng đầu năm, Chi cục đã kiểm soát được gần 2 tỉ con tôm giống nước lợ nhập tỉnh. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sóc Trăng tổ chức các cuộc kiểm tra liên ngành các phương tiện vận chuyển giống thủy sản nhập tỉnh, nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn tôm giống, đồng thời phát hiện kịp thời và xử lý đối với hành vi vận chuyển giống thủy sản nhập tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch, đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Đồng chí Đào Văn Bảy - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin: “Mỗi tuần đơn vị tiến hành đi thu mẫu một lần để giám sát các bệnh truyền nhiễm trên tôm giống như bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, bệnh vi bào tử trùng... Nếu kết quả dương tính, chúng tôi sẽ tiêu hủy mẫu tôm đó theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT, ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản. Chúng tôi cũng thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra các phương tiện vận chuyển giống nhập tỉnh. Khi phát hiện lô tôm giống không đạt yêu cầu, không có giấy kiểm dịch, chúng tôi sẽ tiến hành tiêu hủy theo Quy định 04 của Chính phủ”.

    Là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh nên số lượng cơ sở ương dưỡng giống tập trung khá nhiều tại thị xã Vĩnh Châu, với 21 trại ương dưỡng và 03 công ty sản xuất. Trên cơ sở những nhận định về cơ hội và thách thức đặt ra đối với ngành tôm trong năm 2024, Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu chủ động xây dựng mục tiêu và giải pháp cụ thể để đạt hiệu quả cao trong vụ sản xuất mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý tôm giống. Theo Kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm giống năm 2024 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh là 180 mẫu, trong đó thị xã Vĩnh Châu sẽ thực hiện giám sát khoảng 100 mẫu. Để bà con nuôi tôm tiếp cận được nguồn giống có chất lượng, địa phương thành lập đội liên ngành thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh, ương dưỡng giống tôm nước lợ trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo hộ nuôi các biện pháp kỹ thuật trong chọn giống, các phương pháp và chỉ tiêu xét nghiệm để chọn được con giống tốt nhất.

    Đồng chí Nhan Trung Nghĩa - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Vĩnh Châu khuyến cáo: “Để việc thả nuôi đạt hiệu quả, Trạm khuyến cáo người nuôi tôm cần thực hiện tốt khâu chọn giống qua 2 bước. Bước 1, chọn giống bằng phương pháp cảm quan: Tôm có kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, đầu thân cân đối, đuôi xoè; dùng tay gõ nhẹ vào thành dụng cụ chứa tôm, tôm khoẻ mạnh sẽ phản ứng nhanh; cho tôm giống vào thau, dùng tay khuấy đều, tôm khoẻ sẽ bơi ngược dòng hoặc bám xung quanh thành thau, tôm yếu thường tụ lại ở giữa; đặc biệt, không có tôm có biểu hiện bất thường như đường ruột trống, gan tuỵ mờ, hoặc có nhiều con bơi lội yếu. Bước 2, tiến hành thu mẫu gửi xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; chỉ bắt giống khi tôm hội đủ 2 yếu tố: Quan sát bằng mắt thấy tôm hoạt động tốt, không có dấu hiệu bất thường và xét nghiệm âm tính với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”.

    Nhờ đẩy mạnh công tác kiểm tra, nhiều cơ sở sản xuất, cung ứng giống tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đã tuân thủ tốt việc áp dụng giải pháp an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng để kiểm soát hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên tôm, đặc biệt là bệnh vi bào tử trùng, do đây là bệnh được lây truyền theo chiều dọc từ tôm bố mẹ sang tôm post. Bên cạnh thực hiện tốt việc khử khuẩn, sát trùng hay trang bị đồ bảo hộ khi tham quan, từng khu vực phục vụ công tác sản xuất tôm giống cũng được xây dựng biệt lập thành từng khu, như: khu ương dưỡng, khu nuôi tảo… Từng cơ sở đều áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật và quản lý để ngăn ngừa tác nhân sinh học gây bệnh cho người, vật nuôi và môi trường, đảm bảo cung cấp cho người nuôi có được nguồn tôm giống chất lượng và góp phần cho một vụ nuôi thắng lợi.

    Anh Nguyễn Hoài An - Giám đốc điều hành Công ty tôm giống Gia Hóa Bình Minh ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ: “Để đảm bảo chất lượng tôm giống, cơ sở luôn tuân thủ an toàn sinh học trong quy trình sản xuất giống. Trong quá trình sinh sản và ương dưỡng ấu trùng của đợt sinh sản nào thì bố trí vào bể ương nuôi riêng cho đợt đó. Dụng cụ mỗi bể ương (ly, vợt, thau chậu….), dụng cụ thu và đóng gói tôm đều được sử dụng riêng biệt cho từng bể và từng khu vực. Khách và người chăm sóc khi vào trại sẽ được khử trùng tay chân, mang dụng cụ bảo hộ lao động để tránh mang mầm bệnh từ ngoài vào khu ương và lây chéo giữa các bể. Cơ sở cũng phối hợp ngành Thú y thực hiện lấy mẫu giám sát định kỳ chất lượng tôm giống do cơ sở sản xuất”.

    Về lâu dài, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống tôm nước lợ, từng bước hình thành vùng sản xuất giống thủy sản tập trung theo quy hoạch, hình thành đội ngũ doanh nhân trong khâu sản xuất tôm giống. Đây cũng là nền móng thúc đẩy cho doanh nghiệp và người nuôi ký kết sản xuất và tiêu thụ nguồn tôm giống chất lượng, an toàn dịch bệnh, tiến đến xây dựng chuỗi liên kết nuôi tôm bền vững ngay từ khâu đầu vào để tạo tiền đề cho sự thành công chung của cả vụ nuôi.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 130
  • Hôm nay: 9999
  • Trong tuần: 88,986
  • Tất cả: 11,615,082