Lượt xem: 96

Cảng cá Trần Đề: Khi Nghiệp đoàn vươn ra biển lớn (kỳ 1)

Cảng biển Trần Đề giờ hoạt động náo nhiệt giống như một trung tâm thương mại sầm uất. Những chuyến xe đầy ắp cá tôm nối đuôi nhau “ăn hàng” rồi chở đi trong niềm vui của những con dân nơi “đầu sóng ngọn gió”. Thu nhập và cuộc sống anh em Nghiệp đoàn bốc xếp ngày một khá hơn, “thủ lĩnh” Nguyễn Đăng Luân tự tin cho biết: “Cùng với sự phát triển ngày một vững chắc của Cảng cá Trần Đề, tổ chức nghiệp đoàn ở đây ngày càng hoạt động hiệu quả và gắn kết với ngư dân vùng biển Trần Đề”…

    Từ chuyện bữa cơm nơi “nhà mát”

    Những ngày tháng 4, trời nóng như đổ lửa. Dù đã “núp” dưới tán cây và “tận hưởng” những cơn gió ngoài khơi thổi vào nhưng mồ hôi của tôi vẫn đổ ra như tắm. Vậy mà khi rảo bước trên cầu cảng - Cảng cá Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), không gian khu vực này lại trở nên mát rượi, cứ ngỡ như đâu đây có lắp đặt máy điều hòa cỡ lớn vô hình.


Bữa cơm trưa của đoàn viên Tổ 5 bên hiên nhà

 

    Anh Nguyễn Đăng Luân - Chủ tịch Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề, nói cùng tôi: “Khu vực này được Ban Quản lý Cảng cá đầu tư hệ thống mái che kiên cố. Vừa che nắng - che mưa, đảm bảo sức khỏe cho anh chị em làm việc trong những ngày nắng nóng, vừa góp phần bảo quản chất lượng thủy, hải sản, vốn chỉ thích hợp trong môi trường lạnh”.

    Vừa kể chuyện, anh Luân vừa dẫn tôi đi tham quan khu vực bếp ăn của các đoàn viên Tổ số 5. Gọi là bếp ăn, nhưng nó cũng chính là căn nhà của Dương Hoài Thanh - Tổ trưởng Tổ 5. Hằng ngày, Thanh thường xuyên làm việc ngoài cảng, việc bếp núc do vợ của Thanh đảm nhiệm. Bữa ăn trưa hôm nay có 3 món: Canh chua bắp chuối nấu mẻ, thịt ba rọi ram mặn và khô cá lóc cửng chiên giòn.

    “Nhà báo thấy hông, toàn đặc sản miền Tây. Với người lao động xa nhà thì chi phí ăn uống, sinh hoạt cũng là một áp lực tài chính không nhỏ. Để anh em trong tổ chuyên tâm vào công việc thì khoản chi phí này Tổ trưởng “bao” luôn. Không chỉ là một bữa ăn trưa, đến 3h chiều sẽ có thêm một bữa “ăn dặm”. Hôm nào hàng nhiều phải làm tới tối thì Tổ trưởng lo luôn bữa tối. Kể như mỗi đoàn viên tiết kiệm được hơn 4 triệu đồng/tháng. Một khoản tiền không nhỏ”!

    Theo anh Thanh, hiện tại thu nhập của đoàn viên trong tổ trung bình từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Tháng nào hàng nhiều thì dao động trong khoảng 14 - 15 triệu, thậm chí thời điểm vô mùa cá cơm thì lên tới 20 triệu cũng không chừng! Đây là mức thu nhập cao so với mặt bằng chung của đời sống cư dân ven biển miền Tây Nam bộ. Và để có được “quả ngọt” đó là điều chưa bao giờ dễ dàng…

    Đến “sứ mệnh” của nghiệp đoàn

    Anh Nguyễn Hoàng Tánh (ấp Cảng, thị trấn Trần Đề) là thế hệ thứ 3 trong gia đình đã 3 đời hành nghề đi biển ở xứ này. Theo anh, nghề biển nơi này đã có từ lâu, trước đây gọi là xóm Lưới và xóm Đáy. Xóm Lưới là xóm chuyên đánh lưới, bẫy cá…, còn xóm Đáy thì chuyên đóng đáy. Đóng đáy thì có muôn hình vạn trạng, từ dùng cây cắm làm trụ, cột đáy căng ra trên sông gọi là “đáy sông” hay dùng dây neo đáy gọi là “đáy neo”. Nếu dùng thuyền kết bè để căng đáy gọi là “đáy bè”, còn đem ra xa bờ dưới 10 hải lý gọi là “đáy hàng cạn”; giăng ra trên biển từ 10 đến 20 hải lý, nước sâu trên 10 sải tay được gọi là “đáy hàng khơi”…

    Cửa biển Trần Đề được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thủy, hải sản dồi dào, phong phú, đa dạng chủng loại, có giá trị kinh tế cao. Khai thác hải sản cũng là nghề chính của cư dân bao đời ở xứ biển này.

    Đối với ngư dân, biển là cuộc sống, cuộc đời. Mỗi chuyến vươn khơi, ngư dân luôn mong muốn trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang khi về bến. Nhưng xưa nay, nghề đi biển chưa bao giờ là dễ dàng. Đã bao lần, gió lớn ập đến cướp đi biết bao sinh mệnh của ngư dân, rồi hư hỏng tàu, sự cố giữa trùng khơi cũng nhiều vô số kể.

    Theo dòng chảy của phát triển, nghề đánh bắt ngày càng hiện đại hơn nhờ vào sự hỗ trợ của máy móc, trang thiết bị công nghệ. Từ vài chục, đến nay, thị trấn Trần Đề đã có hơn 410 tàu đi biển, trong đó có 334 chiếc đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu hậu cần chuyên vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt.

    “Khi trước thì đa số người dân vùng cửa biển này chồng đi đánh bắt, vợ ở nhà lựa cá, cũng từ đó mà hình thành nghề làm khô. Khi thuyền đầy cá sẽ có tàu hậu cần ra đưa hàng về bờ và tiếp tế nhu yếu phẩm. Trước kia, khi khai thác xa bờ, mỗi chuyến đi - về thì hao phí nhiên liệu là không nhỏ. Nhưng hiện tại tàu công suất lớn và hậu cần nghề cá phát triển, ngư dân bây giờ có thể an tâm ra khơi hằng tháng trời” - anh Tánh kể.


Tàu về cảng sau một chuyến biển dài ngày

 

    Tuy nhiên, biên độ triều vùng cửa biển sông Hậu có dao động khá lớn khi nước ròng kiệt và khi nước lên. “Những hôm nước ròng kiệt, sàn tàu cá nằm sâu phía dưới cách xa mặt cầu cảng tầm hơn 2m nên việc vận chuyển hàng từ tàu lên cảng khá khó khăn, mất nhiều thời gian và nhân lực bốc dỡ - lên xuống hàng hoá. Đặc biệt, với đặc thù bảo quản của thủy, hải sản, thời gian xử lý càng chậm, hàng sẽ càng giảm chất lượng”. Chủ tịch Nghiệp đoàn Luân thông tin thêm.

    Để khắc phục bất lợi này, từ những hình ảnh băng chuyền tự động được sử dụng trong những nhà kho, rồi vận chuyển từng bao lúa, bao gạo xuống ghe tàu đang chờ sẵn dưới bến sông… anh em đã có sáng kiến làm một băng chuyền linh động để đưa hàng từ dưới tàu lên sàn cảng.

    Băng chuyền là một khung sắt có chiều rộng lớn hơn khay hàng và dài trung bình từ 12 - 15m, những thanh ngang 2 đầu kết nối với khung chuyền. Khi hoạt động thì một đầu của băng chuyền di chuyển đến gần miệng hầm tàu, khay hàng trượt theo băng chuyền lên điểm tập kết hàng trên cầu cảng. Những khay cá, tôm, mực từ hầm tàu vừa chuyển được đưa đến băng chuyền và được đưa thẳng lên cầu cảng nhẹ nhàng, nhanh gọn. Đặc biệt, băng chuyển không cố định nên các tàu hậu cần cập bến có thể neo đậu ở bất kỳ đâu quanh cầu cảng cũng đều lên được hàng nhanh chóng. Xe đông lạnh cũng theo điểm tập kết cá tôm để lên hàng một cách linh hoạt. Sáng kiến này vừa giảm được tiêu hao sức hao động, vừa giảm số nhân công bốc xếp hàng hoá nhưng lại tăng hơn 2 lần năng suất lao động.

    Bận rộn với công việc, nhưng anh Nguyễn Đăng Luân - Chủ tịch Nghiệp đoàn bốc xếp vẫn không quên chia sẻ cùng tôi một thông tin quý: “Anh biết tại sao hàng thuỷ sản lên ở cảng Trần Đề luôn có giá cao nhất so với những nơi khác không? Đó chính là tôm, cá lên ở đây đều rất tươi, hàng lên xe cũng rất nhanh, nên khi về đến nhà máy chế biến hay về kho luôn bảo đảm chất lượng tốt nhất. Chính vì vậy chi phí của doanh nghiệp, chủ hàng cũng giảm. Chủ tàu và doanh nghiệp thu mua hàng, nhà máy chế biến đều được lợi”.

    Trước mắt tôi là 6 tàu đang lên hàng với hàng trăm nhân công đang làm việc liên tục, nhưng mọi thứ đều diễn ra rất trật tự, ngăn nắp. “Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề hiện có trên 120 lao động, trong đó 70% là đồng bào dân tộc Khmer, chia làm 5 tổ hoạt động. Nghiệp đoàn và mỗi tổ đều có quan hệ chặt chẽ với các chủ tàu. Trước khi tàu cập cảng, chỉ cần điện thông báo trước 1 giờ để bố trí, xắp xếp công việc. Tuỳ thời điểm mà các tổ điều phối, bổ sung nhân sự qua lại với nhau nhằm bảo đảm công việc lên hàng được nhanh chóng nhất. Cách tính thu nhập dựa trên bảng điểm để tính điểm, dựa theo phần trăm doanh thu sẽ ra thu nhập trong tháng. Hiện tại, trung bình thu nhập của mỗi đoàn viên là từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Khi hàng nhiều, đặc biệt là vào mùa cá cơm thì đạt từ 14 - 15 triệu/tháng”, anh Luân chia sẻ.

    Ở Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề, đoàn viên Trần Minh Hoài là một trường hợp có hoàn cảnh rất éo le. Dạo trước, Hoài làm trong Nghiệp đoàn rồi tham gia nghĩa vụ quân sự, sau đó thì quay trở lại đây làm việc. Vợ Hoài vừa mới hạ sinh thêm một đứa con nên chỉ ở nhà làm nội trợ, trong khi đứa con trai lớn (4 tuổi) mắc bệnh bại liệt. Một mình anh phải gồng gánh lo 4 miệng ăn.

    Hoài tâm sự: “Em làm công việc bốc xếp với thu nhập từ 7 triệu đồng trở lên/tháng. Những khi hàng về nhiều có thể kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng, nhờ đó mà duy trì được cuộc sống gia đình. Quan trọng nhất là ở đây giống như một gia đình, các anh chị em luôn quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau. Như anh Thanh ở Tổ 5, tụi em vẫn hay gọi là “Anh Hai”. Hễ ai gặp chuyện cưới hỏi, cất nhà, bệnh hoạn này kia, nhờ tới ảnh là ảnh hỗ trợ liền, không nhiều thì cũng ít”.

    Còn anh Luân thì chia sẻ thêm một thông tin thú vị: “Trong đợt COVID-19 bùng phát, tất cả anh em trong Tổ 5 đều tập trung “cấm trại” tại nhà của Thanh. Khi có tàu vào là có sẵn luôn nhân lực để lên hàng. Việc này không chỉ tuân thủ những quy định trong công tác phòng, chống dịch mà hơn cả là không làm gián đoạn việc bốc dỡ hàng ở cảng, giúp cho chủ tàu giảm bớt những tác động tiêu cực của COVID-19 trong việc lên - xuống hàng hoá. Quan trọng nhất là các anh em trong Nghiệp đoàn vẫn có công ăn việc làm, nuôi sống bản thân và gia đình ngay trong giai đoạn được xem là khó khăn nhất của nền kinh tế - xã hội đất nước. “Như anh biết đó, hàng thuỷ sản chỉ cần chậm trễ trong khâu sơ chế, bảo quản độ 15 - 20 phút thì chất lượng sẽ giảm phẩm cấp, thậm chí là hư hỏng. Đây chính là một mắt xích không thể thiếu để nâng giá trị của hàng thuỷ sản”, anh Luân nói.


Bốc hàng hải sản ở cảng cá Trần Đề

 

    Đồng chí Hoa Trần Thế - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề, cho biết: Toàn huyện hiện có 3 nghiệp đoàn, bao gồm: Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề, Nghiệp đoàn nghề cá thị trấn Trần Đề và Nghiệp đoàn nghề cá xã Trung Bình, với tổng số hơn 800 đoàn viên. Những năm qua, dịch vụ hậu cần nghề cá không ngừng phát triển, đời sống anh chị em công nhân lao động, đoàn viên không ngừng được cải thiện, tăng lên.

    Liên đoàn Lao động tỉnh và huyện đã nỗ lực tập trung vào công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; đề xuất với các cơ quan có liên quan về chế độ, chính sách đối với lao động nghề cá trên vùng biển xa. Cùng với đó là quan tâm công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cứu hộ, cứu nạn trong quá trình sản xuất trên biển. Tham mưu, đề xuất, phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển và chăm lo cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai, tai nạn.

    Mới đây, Liên đoàn Lao động huyện cũng đã tiến hành xây dựng và chuẩn bị trao 1 căn “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở (trị giá 50 triệu đồng) thuộc Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề.

Cao Long

(hết kỳ 1).

 

Trong quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/8/2023, Sóc Trăng được định hướng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển Cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước. Vì vậy, Cảng biển Trần Đề, hệ thống hạ tầng sẽ được ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển phù hợp với năng lực nhà đầu tư và nhu cầu phát triển.

 



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 122
  • Hôm nay: 13692
  • Trong tuần: 107,249
  • Tất cả: 11,712,332