Lượt xem: 107

Cảng cá Trần Đề: Khi Nghiệp đoàn vươn ra biển lớn (kỳ 2)

    “Siêu cảng biển” khơi dòng chảy cho phát triển

    Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề - Phạm Văn Hứa, cho biết: Nếu chỉ tính riêng nghề khai thác biển, Trần Đề có lợi thế rất lớn về dịch vụ hậu cần nghề cá. Cảng Trần Đề được xếp vào nhóm 15 cảng cá lớn trên toàn quốc và có vị trí rất thuận lợi, khi vừa gần ngư trường khai thác, vừa có khu công nghiệp, vừa kết nối được các tuyến giao thông quan trọng với các tỉnh, thành, như: Tuyến Quốc lộ Nam sông Hậu, Quốc lộ 60, Quốc lộ 1A, cùng mạng lưới tỉnh lộ đấu nối vào tạo nên một trục phát triển kinh tế biển. Đây chính là những tiền đề thuận lợi cho việc phát huy toàn diện lợi thế về kinh tế biển; một trong những hấp lực thu hút ngày càng đông lượng tàu thuyền khai thác xa bờ ngoài tỉnh cập bến, sử dụng dịch vụ hậu cần nghề khai thác biển của cảng.


Đoàn tàu đánh cá Trần Đề ra khơi “mùa biển mới”

 

    Theo Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề - Phạm Văn Hứa, toàn tỉnh hiện có trên 800 tàu cá, trong đó hơn 350 tàu đánh bắt xa bờ, 42 tàu dịch vụ hậu cần. 100% tàu đều gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Đến nay, các chủ phương tiện tàu cá, ngư dân luôn chấp hành tốt việc đánh bắt hải sản đúng luật định. Tất cả tàu khai thác hải sản xa bờ của Sóc Trăng đều không vi phạm về khai thác IUU trên biển. Riêng Cảng cá Trần Đề chính thức hoạt động năm 2003, thực hiện những nhiệm vụ: Cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá; xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; kiểm tra, kiểm soát về chống hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp tại cảng cá, bến cá; quản lý khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá...

    Trong khu vực cảng cá hiện có 24 doanh nghiệp sơ chế và chế biến thủy, hải sản; trong đó có 3 doanh nghiệp có quy mô chế biến công nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm (Nhật Bản, Mỹ, EU...). Cùng với đó là 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá. Trung bình một năm, cảng tiếp nhận 17.000 lượt tàu cập bến lên - xuống hàng hóa và vật tư cho nghề khai thác biển; lượng hàng hóa qua cảng khoảng 160.000 tấn; còn hàng thủy sản qua cảng là 80.000 tấn. Việc xác nhận nguồn gốc thủy sản cho các doanh nghiệp luôn được Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề thực hiện nhanh, chính xác nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng các chủ tàu thuận tiện hoạt động ổn định. Để đạt được những kết quả này có sự góp sức không nhỏ của Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề.

    Cùng với nghề biển, cảng cá, những năm gần đây, bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo đi vào hoạt động đã mở thêm một ngành nghề mới cho địa phương là du lịch và các dịch vụ đi kèm. Theo đại diện UBND thị trấn Trần Đề, từ khi huyện có chủ trương kêu gọi đầu tư bến tàu cao tốc, phát triển du lịch đã giúp mọi người biết đến Trần Đề nhiều hơn. Du khách đến đây được biết về lịch sử, địa danh, nghề đánh bắt cá, nghề làm khô, từ đó việc kinh doanh của bà con cũng khấm khá hơn, thương hiệu địa phương cũng được quảng bá. Rồi những dịch vụ như khách sạn, quán ăn, nhà hàng… cũng phát triển theo, tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.

    Hiện địa phương đang được đầu tư những công trình trọng điểm, trong đó có Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng mà điểm cuối là Trần Đề, là khu thương mại phức hợp. Cùng với cảng nước sâu Trần Đề sẽ cộng hưởng mở ra một chặng đường phát triển mới cho địa phương. Trong tương lai, tỉnh Sóc Trăng cũng định hướng phát triển du lịch đột phá khi dự kiến sẽ mở một tuyến cáp treo từ huyện Trần Đề qua huyện đảo Cù Lao Dung.

    Theo phương án quy hoạch hệ thống đô thị, định hướng đến năm 2030, Trần Đề cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, là thị xã trực thuộc tỉnh; định hướng phát triển thành thị xã với hướng phát triển không gian chính hướng về thành phố Sóc Trăng và ven sông Hậu. Khi đó, Trần Đề sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng, được tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ hậu cần cảng biển, vận tải, hàng hải, các khu sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo ven biển, du lịch biển và đô thị biển; gắn kết với cảng biển ở cửa ngõ Trần Đề, khu kinh tế ven biển Trần Đề, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

    Đồng chí Lưu Hữu Danh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trần Đề, nhấn mạnh: “Cảng biển nước sâu Trần Đề sau khi được xây dựng hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu luân chuyển xuất khẩu hàng hóa, nông sản của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, là cửa ngõ quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của vùng. Các dự án cao tốc, cảng biển nước sâu sau khi hoàn thiện, kết hợp với đầu tư xây dựng hoàn thành cầu Đại Ngãi, sẽ tạo nên sự thay đổi đáng kể về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trần Đề”.


“Lộc biển” lên cảng

 

    Tôi bỗng nhớ đến trường hợp cha của Trần Minh Hoài trước đây cũng là đoàn viên trong Nghiệp đoàn bốc xếp cảng cá Trần Đề. Nay đến tuổi “về hưu”, nhưng ông vẫn trụ lại làm công việc quét dọn vệ sinh ở cảng. Ông nói: “Lao động riết rồi quen, giờ ở nhà ngồi một chỗ, ngứa ngáy tay chân không chịu nổi. Mình còn sức khỏe thì còn làm, miễn sao là lao động chân chính. Như tui không còn sức khuân vác thì ra làm vệ sinh. Mấy chục năm gắn bó với nghề biển, nhưng mỗi lần nhìn thấy tàu về là tui lại nôn nao, vì biết ngư dân mình còn bám biển vươn khơi trong màu cờ Tổ quốc”.

    Bằng việc đóng góp công sức lao động, ông cùng các thành viên trong Nghiệp đoàn luôn tin tưởng rằng: “Nay mai thôi, nơi ngoài khơi ấy, một “siêu cảng biển” sẽ hình thành, khơi thông dòng chảy phát triển cho quê hương, đất nước”.

Cao Long

Mới đây, tỉnh Sóc Trăng tổ chức cuộc họp thông qua Báo cáo giữa kỳ nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc Cảng biển Sóc Trăng. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trần Đề. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 4437
  • Trong tuần: 94,636
  • Tất cả: 11,727,757