Lượt xem: 10299

Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thanh Thế và con đường mang tên anh ở thành phố Sóc Trăng

Ngay từ nhỏ, khi còn là đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, chúng ta đã biết đến tên anh hùng Mai Thanh Thế. Nếu như anh hùng Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn pháo; anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng; anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lổ châu mai, thì trong những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Sóc Trăng có anh hùng Mai Thanh Thế với việc chặt đứt cánh tay để làm nhiệm vụ.

    Mai Thanh Thế sinh năm 1941 tại ấp Vĩnh Hưng, làng Mỹ Quới, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá[1] (nay thuộc thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng. Mai Thanh Thế đã trải qua thời thơ ấu trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.

    Sau Hiệp định Giơnevơ, hòa bình được lập lại, niềm vui chưa trọn thì những ngày đen tối đã bao trùm lên xóm làng. Những cảnh bắt bớ, tàn sát đồng bào do bọn tay sai đế quốc Mỹ thực hiện đã gây một ấn tượng đau xót trong lòng chàng thiếu niên Mai Thanh Thế. Năm 1959, anh liên hệ với cơ sở cách mạng ở xã Mỹ Quới và được giao cho nhiệm vụ liên lạc cho chi bộ. Là một thanh niên gan dạ, dũng cảm, nên mọi nhiệm vụ tổ chức phân Mai Thanh Thế đều hoàn thành tốt.


Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thanh Thế.

    Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, Nhân dân Mỹ Quới vùng dậy phá kềm, giành quyền làm chủ. Xã Mỹ Quới hoàn toàn giải phóng và bước đầu được xây dựng về mọi mặt. Mai Thanh Thế được chọn vào Đoàn Văn công ấp Mỹ Đông để diễn kịch phục vụ đồng bào.

    Cuộc chiến kháng chiến chống Mỹ và bè lũ tay sai của Nhân dân Mỹ Quới càng trở nên ác liệt, Mai Thanh Thế không còn lòng dạ nào ca hát nữa, anh muốn trực tiếp cầm súng chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. Nhiều lần Mai Thanh Thế năn nỉ các đồng chí đảng viên chi bộ xin được gia nhập bộ đội. Và rồi mong muốn của Mai Thanh Thế được thực hiện: Cuối năm 1960 anh được chọn đi học lớp chuyên môn và khi trở về Mai Thanh Thế trở thành chiến sĩ đặc công của đơn vị địa phương quân huyện Thạnh Trị.

    Từ ngày nhập ngũ, Mai Thanh Thế luôn chiến đấu dũng cảm ngoan cường, thường xung phong đi đầu trong những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

    Tháng 3-1961, lần đầu tiên Mai Thanh Thế được phân công đi trinh sát đồn Cầu Trâu[2] cùng với hai chiến sĩ khác. Đồn Cầu Trâu nằm trên tuyến lộ Phú Lộc đi Cái Dầy, nhằm bảo vệ giao thông địch, ngăn chặn tuyến giao liên của cách mạng qua Lộ 4 bằng đường bộ và từ Thạnh Trị qua Mỹ Xuyên bằng đường sông. Đồn được bố trí 3 lô cốt ở 3 vị trí quan trọng, tạo thành một hình tam giác. Giữa 3 lô cốt này có 1 lô cốt chuồng Cu, được bố trí ở trung tâm. Vào mùa khô, địch bố phòng hết sức nghiêm ngặt. Trên hàng rào có 3 lớp dây chì gai chúng gài lựu đạn, dưới đất chôn mìn, gài chông, trong tường đồn còn có mấy con chó canh giữ. Qua mấy đêm liền, ba chiến sĩ không vượt khỏi hàng rào thứ nhất. Hai chiến sĩ đi cùng với Mai Thanh Thế có ý nản và đưa ra ý kiến nên trở về báo cáo với lãnh đạo đơn vị. Mai Thanh Thế lúc đó là một tổ viên, kiên quyết đề nghị ở lại khắc phục khó khăn. Anh động viên các chiến sĩ trong tổ thực hiện quyết tâm: Chưa hoàn thành nhiệm vụ nhất định chưa về đơn vị. Sau đó toàn tổ cố gắng nỗ lực, ban ngày luyện tập, tối đến lần mò vào đồn, ròng rã 21 đêm ngày, Tổ trinh sát đã hoàn thành được nhiệm vụ.

    Đêm tập kích đồn Cầu Trâu lần thứ nhất (vào tháng 4-1961), Mai Thanh Thế ôm bộc phá dẫn tổ xung kích cắt 3 lớp chì gai, khi còn 3 mét nữa tới đồn thì bị lộ, chó sủa. Anh giao bộc phá[3] cho đồng đội giữ dùm, lấy mã tấu đứng thẳng người chém dây chì gai, mở đường cho xung kích trong lúc địch bắn đạn như mưa. Nhận thấy kế hoạch bị lộ, Ban Chỉ huy ra lệnh rút quân, khi ấy mới biết chiến sĩ trong tổ bỏ quên bộc phá trong hàng rào. Bất chấp hiểm nguy, Mai Thanh Thế đã xin quay trở lại, bò vào lấy bộc phá cho bằng được. Qua trận tập kích, anh em đồng đội nhận ra rằng: Trong con người nhỏ nhắn, thư sinh của Mai Thanh Thế chứa đựng mối căm thù địch lớn lao và ý chí sắt đá đến lạ lùng. Ngay sau trận tập kích này, Mai Thanh Thế được đơn vị kết nạp vào Đảng và được đề bạt làm Tổ trưởng Đội đặc công.

    Để mở rộng diện tiến công địch, giữa năm 1962, Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng và Thường vụ Huyện ủy Thạnh Trị chỉ đạo cho lực lượng địa phương quân, bằng mọi cách phải tiêu diệt cho được đồn Cầu Trâu. Huyện đội Thạnh Trị tổ chức họp lên kế hoạch tác chiến, quyết tâm đánh tiêu diệt đồn Cầu Trâu.

    Theo kế hoạch tác chiến, lực lượng cách mạng xuất phát từ xã Châu Thới lúc 19 giờ ngày 27-7-1962 và đi tắt đường đồng đến vị trí đồn Cầu Trâu tập kết. Đúng 1 giờ sáng ngày 28-7-1962, Tổ trinh sát đặc công do đồng chí Mai Thanh Thế chỉ huy ôm mìn đột nhập đánh mở đường, để ba mũi chủ lực đồng loạt đánh thẳng vào 3 lô cốt của địch ở 3 góc đồn.

    Trận đánh diễn ra rất ác liệt ngay từ đầu, đạn trung liên của địch từ các lô cốt liên tục nhã ra cheo chéo trên đầu. Khi xung phong, tay trái của Mai Thanh Thế bị mảnh lựu đạn cắt gãy (chưa đứt lìa), anh bò trở ra nhờ đồng đội chặt đứt dùm để khỏi vướng víu. Đồng đội nhìn Mai Thanh Thế ái ngại và khuyên anh trở ra tuyến sau. Thuyết phục đồng đội không được, đồng chí Mai Thanh Thế đã tự mình dùng lưỡi lê cắt bỏ phần cánh tay đã bị gãy, sau đó được đồng đội băng bó tạm, rồi ôm mìn xông lên, dùng cánh tay còn lại tháo quả thủ pháo, dùng răng rút chốt nhét vào lỗ châu mai. Một tiếng nổ long trời, Mai Thanh Thế bất tỉnh, khi tỉnh dậy cũng là lúc đồng đội đã tiêu diệt xong lô cốt ở 3 góc đồn, nhưng ở cao điểm Chuồng Cu vẫn còn một số tên chốt giữ. Chúng dùng lựu đạn và các loại hỏa lực điên cuồng chống trả. Với quyết tâm tiêu diệt bằng được lô cốt Chuồng Cu để hoàn thành nhiệm vụ, Mai Thanh Thế dù bị thương nặng những vẫn cố gượng dậy, tình nguyên ôm mìn xông lên đánh lô cốt cuối cùng này. Nhưng anh chỉ mới chạy được vài bước thì bị một quả lựu đạn từ lô cốt Chuồng Cu ném xuống, găm miểng vào trán và cắt gãy cánh tay phải còn lại. Đồng chí Mai Thanh Thế bị ngất xỉu nhưng mục tiêu vẫn chưa được tiêu diệt, do hết mìn nên đơn vị phải rút ra. Đồng chí Mai Thanh Thế được đồng đội chuyển về phía sau cấp cứu. Trên đường đi, anh vẫn bình thản động viên anh em chiến đấu. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Mai Thanh Thế hô to: “Bác Hồ muôn năm!”. Đồng chí Mai Thanh Thế hy sinh ngày 28-7-1962, nhằm ngày 27 tháng 6 năm Nhâm Dần[4], khi mới vừa tròn 21 tuổi.


Đường Mai Thanh Thế Phường 9, thành phố Sóc Trăng.

    Tinh thần chiến đấu dũng cảm, sống oanh liệt, chết vẻ vang, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của Mai Thanh Thế là một tấm gương sáng cho tuổi trẻ các thế hệ noi theo. Với thành tích và hành động dũng cảm của Mai Thanh Thế, ngày 5-5-1965 tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã quyết định truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Mai Thanh Thế.

    Để tưởng nhớ tri ân người anh hùng trẻ tuổi có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 1976 Đảng bộ và chính quyền thị xã Sóc Trăng quyết định đổi tên đường Huỳnh Sua thành đường Mai Thanh Thế. Đường Mai Thanh Thế hiện nay nằm trên địa bàn Khóm 1, 2, 3 Phường 9, dài 450m, bắt đầu từ đường Đồng Khởi (chợ Trung tâm thành phố Sóc Trăng) và kết thúc đến nhà số 150, đường lưu thông hai chiều, mặt lộ rộng 7m.

    Năm 2009 Khu di tích trận đánh đồn Cầu Trâu năm 1962 được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Khu Di tích đã trở thành nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho lực lượng đoàn viên, thanh niên, giúp các em ý thức hơn nữa về bản thân, về cuộc sống, đồng thời thấy được trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước./.

Thanh Hà



[1] Từ năm 1951, xã Mỹ Quới thuộc huyện Thạnh Trị, hiện nay thuộc thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng

[2] Thuộc xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng; nay thuộc xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu

[3] Bộc phá là vật chứa một lượng chất nổ, sử dụng rộng rãi trong bộ binh, công binh, đặc công để phá công sự, hàng rào hoặc các vật cản khác

[4] Ngày hy sinh của đồng chí Mai Thanh Thế do gia đình cung cấp.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 49
  • Hôm nay: 1973
  • Trong tuần: 84,338
  • Tất cả: 11,623,537