Lượt xem: 1165

Sóc Trăng triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp

Ngày 06/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, trong năm 2022 hướng đến thực hiện mục tiêu bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD), ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an, trong đó tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

 


Người dân đăng ký khám chữa bệnh bằng CCCD tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu Sóc Trăng. Ảnh Chí Bảo

 

    Để thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp và hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT, nhằm tạo thuận lợi và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh cho người bệnh tham gia BHYT.

    Với việc sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp thay thế thẻ BHYT bằng giấy mà ngành y tế và ngành BHXH đã triển khai thời gian qua, các cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh cùng kỳ vọng sẽ mở đầu cho lộ trình thay thế dần các thủ tục giấy tờ cá nhân gây tốn kém thời gian và tiền bạc...

    "Rất tiện lợi và nhanh chóng..."

    Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng là một trong những cơ sở y tế đầu tiên của tỉnh triển khai thí điểm thực hiện khám, chữa bệnh bằng CCCD có gắn chíp. Tại khu tiếp đón bệnh nhân, Bệnh viện đã có thông báo trên màn hình hướng dẫn khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD có gắn chíp và cũng đã trang bị 8 đầu đọc QR-code để đọc thẻ CCCD gắn chíp. Khi người dân đăng ký khám, chữa bệnh BHYT, nhân viên y tế kiểm tra CCCD bằng cách quét QR-Code của người bệnh, nếu đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì đón tiếp người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành. Trường hợp người bệnh không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì nhân viên y tế giải thích để người bệnh biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được. Sau đó, đề nghị người bệnh xuất trình thẻ BHYT giấy hoặc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số để thực hiện quy trình khám, chữa bệnh BHYT thông thường.

    Theo ghi nhận của chúng tôi, bệnh nhân khi đi qua khu vực lấy số thứ tự đều nán lại trước màn hình ghi các thông tin khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chíp, một số người lấy ngay CCCD ra trải nghiệm dịch vụ mới mẻ này. Sau khi đọc các thông tin hướng dẫn, cô Nguyễn Ngọc Ánh ở Phường 3, thành phố Sóc Trăng đến quầy lấy số rồi xuất trình thẻ CCCD và được nhân viên y tế quét mã QR. Thấy việc đăng ký khám chữa bệnh BHYT của mình được thực hiện nhanh chóng, cô Ánh vui mừng nói: "Trước đây khi đăng ký khám bệnh, tôi cần 3-4 phút để đối chiếu và nhập tay các thông tin cá nhân. Giờ thì chỉ cần đưa CCCD cho nhân viên y tế quét vài giây là xong. Bệnh nhân đông đúc, việc áp dụng tích hợp như thế này tôi khỏi phải chờ lâu".

    Cùng đến khám bệnh định kỳ, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung ở Phường 2, thành phố Sóc Trăng chia sẻ: “Gần đây tôi mới biết việc thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Trước đây, cứ mỗi lần đi khám bệnh là cầm theo đủ loại giấy tờ từ sổ khám bệnh, chứng minh nhân dân, thẻ BHYT, các giấy tờ khác... Giờ thì chỉ cần CCCD nên rất tiện lợi và nhanh chóng, giảm bớt thủ tục và các loại giấy tờ liên quan, rút ngắn thời gian rất nhiều”.

    Việc khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân khi tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh như khi đi khám không cần phải mang thẻ BHYT, hay nếu mất thẻ BHYT thì không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn. Bác sĩ Chuyên khoa 2, Bùi Thị Ngọc Tú - Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Việc sử dụng CCCD có gắn chíp để khám, chữa bệnh đã góp phần cải cách thủ tục hành chính của bệnh viện, giảm các giấy tờ liên quan đến thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, từ đó việc tiếp nhận bệnh rất nhanh và thuận lợi, nhân viên y tế sẽ xác định đúng người bệnh trên thẻ, cũng như tình trạng bệnh sử, thông tin các lần đi khám trước đó như một hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp, Bệnh viện chúng tôi vẫn đón tiếp bệnh nhân BHYT khi bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT giấy hoặc sử dụng thẻ BHYT thông qua ứng dụng VssID-BHXH số trên điện thoại di động" - bác sĩ Tú nói.

    Còn tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu Sóc Trăng, ngay sau khi được sự hướng dẫn của BHXH tỉnh, Bệnh viện đã triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Qua đó, Bệnh viện đã bố trí đầy đủ nhân lực, nâng cấp hệ thống phần mềm tại khu vực tiếp đón người bệnh BHYT, tuy nhiên số lượng người đến khám bằng hình thức này chưa cao, có thể xuất phát từ thói quen khám bệnh bằng thẻ BHYT giấy lâu nay hoặc từ việc người bệnh có thẻ CCCD nhưng chưa phải loại có gắn chíp.

    Anh Thạch Hoàng Anh - chuyên viên phụ trách khám, chữa bệnh BHYT, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu Sóc Trăng cho biết: “Việc khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp là hoạt động đang được thí điểm tại các cơ sở y tế, tiến tới đơn giản hóa giấy tờ, giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh cho người bệnh cũng như đáp ứng lợi ích thiết thực trong khâu quản lý người bệnh của cơ sở y tế. Tuy nhiên, đây là hệ thống phần mềm đang triển khai thí điểm nên cập nhật dữ liệu còn chậm; mã QR trên CCCD quá nhỏ, thiết bị không quét được hoặc khó quét để đọc thông tin... Ngoài ra, còn một khó khăn đang gặp phải là hệ thống dữ liệu chưa liên thông đồng bộ, do đó đa số thẻ CCCD chưa tích hợp thông tin BHYT của người bệnh nên buộc phải quay lại khám theo hình thức cũ hoặc số ít (đa số người trẻ) chuyển sang sử dụng ứng dụng VssID của ngành BHXH”.

    Bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính khám chữa bệnh BHYT

    Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tra cứu thông tin về thẻ BHYT qua thẻ CCCD gắn chíp. Đồng thời, nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống Thông tin giám định BHYT của ngành và sẵn sàng đáp ứng việc cung cấp thông tin thẻ BHYT để các cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin khi người dân sử dụng CCCD gắn chíp đi khám, chữa bệnh BHYT.

    Đồng chí Trần Anh Thương - Trưởng Phòng Giám định BHYT, BHXH tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; bên cạnh đó, truyền thông rộng rãi đến người tham gia BHYT về việc thực hiện CCCD gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, thông báo tại các địa điểm trong cơ sở khám, chữa bệnh để người dân dễ tiếp cận nhất”.

    Tuy nhiên, do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện nên đồng chí Trần Anh Thương cũng lưu ý người bệnh đi khám, chữa bệnh lần đầu cần mang theo thẻ BHYT kèm giấy tờ tuỳ thân có ảnh, hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID-BHXH số. Trường hợp người bệnh BHYT đã thực hiện được việc khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình CCCD. Trường hợp CCCD chưa kịp tích hợp dữ liệu thẻ BHYT, người bệnh có thẻ BHYT thực hiện việc khám, chữa bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh).

    Có thể thấy, cùng với sự ra đời của ứng dụng VssID-BHXH số, việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế để tổ chức triển khai thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp để khám, chữa bệnh BHYT là một bước tiến lớn của ngành BHXH Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử. Thay vì tốn thời gian vào việc làm thủ tục giấy tờ, người dân sẽ tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh chuyên sâu, đem lại nhiều tiện ích, tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ BHYT về các thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh được tiết giảm tối đa. Đồng thời, khi các cơ sở khám, chữa bệnh tích cực, chủ động triển khai công tác thí điểm này sẽ mang lại lợi ích thiết thực không chỉ cho người bệnh mà ngay cả trong khâu quản lý người bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh. Những kết quả tích cực đó đã góp phần thể hiện quyết tâm chính trị của toàn ngành BHXH Việt Nam trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng chính phủ số, quốc gia số.

CHÍ BẢO



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 104
  • Hôm nay: 8866
  • Trong tuần: 92,272
  • Tất cả: 11,548,065