Lượt xem: 82

Long Phú từng bước chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Long Phú tổ chức quán triệt, triển khai trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và bà con nông dân… nhằm từng bước nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực trong công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện nhà.

    Long Phú là huyện nông nghiệp, việc chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng cần thiết và cấp bách, bởi chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng công nghệ số vào mọi hoạt động nông nghiệp truyền thống, từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu thụ. Mục tiêu của chuyển đổi số trong nông nghiệp là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Long Phú đang từng bước áp dụng chuyển đổi số, qua một thời gian thực hiện đã góp phần không nhỏ trong hỗ trợ quản lý, sản xuất, đặc biệt là việc ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.


Nông dân sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa phun xịt thuốc trong sản xuất lúa. Ảnh Sóc Ca

 

    Đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Long Phú, cho biết, huyện đã ứng dụng thành công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lưu trữ thông tin sản xuất, truy xuất nguồn gốc trên cây lúa; ứng dụng hỗ trợ nông dân lưu lại nhật ký sản xuất qua nhiều vụ, nhiều năm, giúp người dân tự đánh giá, rút ra quy trình sản xuất hiệu quả và ứng dụng, có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Trong quá trình sản xuất lúa, bà con nông dân có thể áp dụng bản tin thời tiết nông vụ, kể cả bản tin mùa, tình hình thời tiết, lịch xuống giống, độ mặn, dự báo sâu, bệnh trên lúa, trên cây ăn trái; các giai đoạn phát triển trên cây lúa và thông tin giá cả thị trường đối với sản phẩm lúa,… Tất cả đều được chia sẻ qua nhóm zalo các thành viên từ huyện đến ấp, tổ hợp tác, hợp tác xã,… giúp bà con nông dân kịp thời chủ động trong quá trình sản xuất.

    Điển hình như chú Nguyễn Hữu Công, nông dân ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú, là chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao (chanh leo ngọt). Ngay từ khi lai ghép thành công giống chanh leo ngọt, chú đã đăng ký độc quyền, đóng gói, làm bao bì, nhãn hiệu để bán ra thị trường; đồng thời, còn áp dụng thành công khoa học - công nghệ vào sản xuất. Chú Công đã xây dựng hệ thống tưới tiêu tự động, hệ thống điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh trong sản xuất; luôn tìm giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất giá trị của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và nông sản bảo quản được lâu hơn, chất lượng hơn. Chú Nguyễn Hữu Công chia sẻ: “Tôi áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, tem, nhãn, bao bì thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc và đầu tư thiết bị để kiểm tra độ mặn. Ngoài đảm bảo an toàn cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất cho gia đình, tôi còn thông báo đến bà con nông dân địa phương qua nhóm zalo, trang facebook cá nhân để chia sẻ, giúp mọi người chủ động trong sản xuất nông nghiệp, tránh gây thất thoát, tốn kém do thiên tai gây ra”.

    Chuyển đổi số trong nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị và tính bền vững. Chuyển đổi số có thể sử dụng để thu thập, phân tích, dự báo thông tin thời tiết và khí hậu, giúp nông dân gieo trồng, thu hoạch và chăm sóc cây trồng. Trong chuyển đổi số, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện còn ứng dụng “MekongRynan” trên điện thoại thông minh có kết nối wifi hoặc 3G, hệ thống cảm biến theo dõi côn trùng để có thể dự báo được rầy nâu (bẫy đèn điện tử), giúp nông dân theo dõi số liệu côn trùng.

    Đồng chí Huỳnh Hữu Hiếu - Phó trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Phú, thông tin: “Thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi còn ứng dụng trong quan trắc độ mặn nước với hệ thống cảm biến tự động, đo liên tục 4 tham số chính, gồm: Mực nước, độ mặn, độ pH và nhiệt độ, giúp bà con nông dân có thể theo dõi các thông số kỹ thuật mọi lúc, mọi nơi qua thiết bị điện thoại thông minh có kết nối wifi, hoặc 3G”. Ngoài ra, các công nghệ, kỹ thuật số còn giúp nông dân cài đặt hệ thống giám sát và cảnh báo sớm về tình trạng sức khỏe của cây trồng, sự lây lan của dịch bệnh, tác động của các yếu tố môi trường, như nhiệt độ và độ ẩm,… giúp nông dân có thể nhận được thông báo sớm về các vấn đề tiềm ẩn và đưa ra biện pháp phòng ngừa, hoặc can thiệp kịp thời để giảm thiểu thiệt hại.

    Chuyển đổi số cũng cung cấp các hệ thống quản lý nông nghiệp thông minh, cho phép nông dân quản lý và giám sát các hoạt động từ xa, bao gồm việc theo dõi thông tin về thời tiết, hệ thống tưới tiêu, điều này giúp nông dân tiết kiệm một khoảng thời gian, nguồn lực bằng cách tối ưu hóa việc quản lý nông trại và phản ứng kịp thời đối với các vấn đề một cách nhanh chóng.

Sóc Ca



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 286
  • Trong tuần: 82,651
  • Tất cả: 11,621,850