Lượt xem: 1053

Chọn người tài - đức: Từ câu chuyện của Thái phó Tô Hiến Thành đến phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi đã viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, “...Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có”.

    Hào kiệt - người tài của đất nước qua lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã cho thấy “thời nào cũng có”. Bởi từ các cuộc đấu tranh giữ nước hàng ngàn năm của cha ông, cho đến công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, từ Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cho dù trong những điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng đất nước ta, nhân dân ta vẫn giành chiến thắng vẻ vang. Trong các cuộc kháng chiến ấy, nhân dân ta, đặc biệt là từ năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nếu không thu hút và sử dụng nhân tài một cách hợp lý thì khó có thể giành được thắng lợi vĩ đại. Chọn và sử dụng người tài đức không những luôn là quốc sách, mà đã trở thành đạo đức và quan niệm sống của người Việt Nam.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Nguồn dangcongsan.vn

 

    Và mới đây, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban cho ý kiến về một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự của Đảng. Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự rất khách quan, có tính định hướng, ảnh hưởng nhất định đến việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng. Và điều này cũng cho thấy, việc chọn người tài phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân ở nhiệm kỳ tới, trong thời gian tới là đặc biệt quan trọng. Bởi như Tổng Bí thư đã nói: “Đây cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”, càng cho thấy việc chọn lựa nhân sự, chọn người tài đức là rất quan trọng cho cả giai đoạn sau.

    Để chọn người tài đức, trước khi nói tiếp về bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người viết xin đề cập một câu chuyện về lựa chọn người tài đức của người xưa.

    Tô Hiến Thành quê ở làng Ô Diên, huyện Vĩnh Khang, thành Thăng Long (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội). Ông sống vào khoảng cuối thế k XII đầu thế k XIII, dưới thời trị vì của các vua Lý Thần Tông, Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Tô Hiến Thành là vị quan thông minh, cương trực, văn võ song toàn, nhân cách rạng ngời về lòng “trung quân ái quốc”, cả cuộc đời vì nghĩa lớn nên được vua rất tin cậy. Cuộc đời của ông được người đời gọi là người có “Trái tim trong trắng”. Trong câu chuyện “Tiến cử nhân tài” nói về danh nhân Tô Hiến Thành, gợi cho chúng ta “suy nghĩ gì về việc đánh giá, tuyển chọn và sử dụng nhân tài.

    Chuyện “Tiến cử nhân tài” kể rằng: Trước khi vua Lý Anh Tông băng hà, trong triều đình xảy ra rất nhiều sự tranh chấp. Chiêu Linh Thái Hậu thì muốn lập con của mình là Lý Long Xưởng lên làm vua nên đã sai quân lính đem vàng bạc, châu báu đến hối lộ cho vợ của Tô Hiến Thành. Biết được điều đó, Tô Hiến Thành đã nói với vợ rằng: “Ta là bậc đại thần, nhận lệnh của tiên Đế dặn lại giúp bày vua bé, nay lấy của hối lộ mà bỏ vua này, lập vua kia thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên Đế ở dưới suối vàng. Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ có vui gì đâu”. Khi Tô Hiến Thành lâm bệnh, Tham chi chính sự lúc đó là Vũ Tán Đường ngày đêm chầu trực, hết mực chăm sóc, hầu hạ bên giường ông, còn quan đại thần Trần Trung Tá lại bận lên biên thùy bàn việc định giới với nước láng giềng nên ít đến thăm, kể cả lúc Tô Hiến Thành sắp mất. Khi bệnh tình càng nguy kịch, Thái Hậu đến thăm và có ý dò hỏi “Nhỡ khi trời bắt ông mất thì ta có thể cắt đặt ai thay ông được?. Tô Hiến Thành không do dự mà trả lời: Hãy cử Trần Trung Tá. Thái Hậu thấy vậy nói: “Trung Tá mải mê công danh, mà Tán Đường thì ngày đêm bên cạnh ông, sao ông không cất nhắc Tán Đường?. Tô Hiến Thành đáp: “Vì Thái Hậu hỏi người thay tôi thì tôi nói là Trung Tá, chứ nếu nói đến người quên mình, vì bạn, vì nghĩa tình mà chăm sóc nhau, thì tôi phải nói đến Tán Đường trước chứ!.

    Câu chuyện cho chúng ta một bài học quý giá về việc đánh giá, tuyển chọn và sử dụng nhân tài. Việc nhận biết, việc đánh giá, tuyển chọn và sử dụng những nhân tài là rất quan trọng. Phải biết sử dụng, phân công họ làm sao cho đúng với vị trí, với sở trường, khả năng họ có thể. Chỉ có vậy họ mới có điều kiện phát huy hết khả năng của mình và cống hiến một cách tốt nhất cho đất nước.

    Từ những năm tháng Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Nếu Đảng và Bác không không thu hút và sử dụng những nhân tài một cách hợp lý thì khó có thể giành được thắng lợi. Đến nay, Đảng ta đã bước vào nhiệm kỳ thứ XIV và gần đến cột mốc 100 năm thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2030). Câu chuyện lựa chọn người tài đức để phát huy hết khả năng của mình và cống hiến một cách tốt nhất cho đất nước tiếp tục được quan tâm hàng đầu. Và từ sự quan tâm này có thể khẳng định, bài phát biểu của Tổng Bí thư là toàn tâm, toàn ý cho công tác nhân sự của Đảng ở giai đoạn kế tiếp, có kế thừa, có phát huy những cách lựa chọn người tài đức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

    Trong bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh: Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc (“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài).

    Nhưng đức - tài phải như thế nào, Tổng Bí thư chỉ rõ:Việc giới thiệu nhân sự, nói chung phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới. Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc. Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...; cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn phá hoại, gây rối nội bộ của các thế lực thù địch.

    Tổng bí thư cũng chỉ rõ: Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng, “... đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường, (đừng nhìn gà hóa cuốc, đừng thấy đỏ tưởng là chín, đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong)...

    Điều này cũng có thể so sánh việc Thái phó Tô Hiến Thành chọn người làm được việc để thay mình; còn người chăm sóc, tình nghĩa mà không làm được việc thì không chọn.

    Từ bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng thực tế hiện nay, trong công tác cán bộ cần quan tâm đến tiêu chí cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ càng cao thì càng phải gương mẫu phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của cách mạng, của đất nước, của nhân dân lên trước hết. Để trở thành cán bộ, mỗi cá nhân phải luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; quá trình phấn đấu vươn lên bằng trí tuệ, năng lực, nhân cách của mình, không cơ hội chính trị, không chạy chức, chạy quyền, tham vọng quyền lực, lợi dụng chức quyền để tư lợi cho riêng mình, cho gia đình mình. Và các cấp ủy đảng cũng cần lấy các nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư để làm kim chỉ nam cho công tác nhân sự đại hội trong thời gian tới.

Thanh Khiết



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 53
  • Hôm nay: 2368
  • Trong tuần: 90,222
  • Tất cả: 11,577,669