Lượt xem: 302

Rèn luyện và thực hiện văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh - nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức hiện nay

Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong di sản vô giá mà Người để lại cho Đảng, dân tộc ta. Học tập, làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là việc làm cấp thiết nhằm hoàn thiện nhân cách, đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện nói đi đôi với làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

    1. Ứng xử là cách thể hiện thái độ, cử chỉ, hành vi của cá nhân khi giao tiếp, nó thể hiện văn hóa, đạo đức, nhân cách của mỗi cá nhân. Đó là sự thích ứng của một cá nhân đối với thế giới xung quanh trên nền tảng những giá trị, chuẩn mực văn hóa - đạo đức được cộng đồng, xã hội thừa nhận, là thước đo trình độ văn hóa và phẩm cách mỗi con người. Văn hóa ứng xử tác động vào các đối tượng không phải bằng sức mạnh “quyền lực cứng” mà bằng “quyền lực mềm” - đó là “sự hấp dẫn” bắt nguồn từ lý tưởng chính trị, nền tảng tri thức và uy tín của cá nhân, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, quản lý.


Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp (27-5-1957). Ảnh tư liệu

 

    Xét về lý luận và nhìn vào thực tiễn cuộc sống cho thấy, có hai cách ứng xử cơ bản: Một là, lịch sự, khôn khéo, mềm dẻo, tế nhị, tôn trọng - ứng xử có văn hóa; hai là, không lịch sự, thích khoe khoang, nói nhiều cái tốt về mình nhưng lại công kích, nói xấu người khác - ứng xử thiếu văn hóa. Một người tuy chưa giỏi chuyên môn, nhưng biết ứng xử, giao tiếp tốt với mọi người thì gặt hái được nhiều thành công, còn người tuy có chuyên môn giỏi, có địa vị trong xã hội nhưng kiêu ngạo, ứng xử thiếu văn hóa, bị xã hội phê phán, xa lánh. Khi có văn hóa ứng xử tốt, mọi người có khả năng lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng nhau, tạo ra mối quan hệ tin cậy với những người xung quanh, giúp giải quyết xung đột một cách hiệu quả. Khi đó, mỗi người đều cảm thấy được tôn trọng trong không gian sống và làm việc, hạn chế xảy ra xung đột không đáng có. Do đó, ứng xử có văn hóa là liều thuốc chữa lành mọi mối quan hệ, là cách gắn kết tình thương giữa người với người, là tiền đề cho mọi sự trân trọng, yêu thương trong xã hội. Có thể nói, văn hóa ứng xử là sức mạnh mềm làm nên nét đẹp và là chìa khóa thành công của mỗi người. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta chọn ưu tiên hàng đầu cần phải học trước tiên trong giao tiếp, ứng xử là: Học ăn, học nói, học gói, học mở, bởi chính những kỹ năng này là điều kiện tiên quyết để một cá nhân thành công hay thất bại trong cuộc sống hàng ngày và trên đường đời của mình.

    2. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất” và là tấm gương mẫu mực về phong cách ứng xử. Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh có nguồn cội từ lịch sử, tư tưởng và thực tiễn của dân tộc, mang dấu ấn thời đại và phẩm chất cá nhân của Người. Đó là sự hài hoà giữa văn hoá ứng xử phương Đông, phương Tây, trong đó hạt nhân chủ yếu là vì con người, vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc và nhân loại tiến bộ.

    Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh bao quát tất cả các quan hệ trong hoạt động sống của con người, nổi bật ở những phẩm chất chủ yếu:

    Một là, phong cách ứng xử “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đây là nét nổi bật trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, thể hiện tính nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc ứng xử, trong đó “ứng vạn biến” nhưng không xa rời, vứt bỏ cái bất biến. Đó chính là tinh thần biện chứng trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã vận dụng nguyên tắc này như một phương châm xử thế để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn nhất. Người đã từng nhiều lần phải kìm nén uất ức trước thái độ ngang ngược, hống hách của kẻ thù; kiên trì, kiên quyết giữ vững lập trường cách mạng, nhưng rất mềm mỏng, linh hoạt, lùi một bước để thực hiện mục tiêu nhất quán là độc lập dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

    Hai là, phong cách ứng xử với con người. Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong cách ứng xử tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình, gần gũi. Trong tình yêu thương của Người đều có chỗ cho mọi người, không quên, không sót một ai, từ người già cho đến các cháu thiếu niên, nhi đồng ... Người luôn nhắc nhở “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta”. Do đó, bất cứ ai được gặp Người đều thấy ấm áp, thoải mái. Khi cần nhắc nhở, Người không quên chỉ vẽ tận tình. Khi cần phê bình, Người rất nghiêm khắc, không bao che, nhưng rất độ lượng, bao dung. Đối với những người lầm đường, lạc lối hay đã từng cộng tác với bên kia trận tuyến, Người yêu cầu “Không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hoá khoan dung”. Chính phong cách ứng xử chứa đựng những giá trị nhân văn, nhân bản này đã cuốn hút, cảm hóa, cảm phục và thôi thúc mọi người hướng tới cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống cũng như trong công việc.

    Ba là, phong cách ứng xử với công việc. Hồ Chí Minh luôn đặt việc chung trước việc tư, trung thành với lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Khi làm việc, Người luôn có chương trình, kế hoạch, mục đích rõ ràng; nói đi đôi với làm, nêu gương trước cấp dưới; “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”. Trong làm việc, phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tôn trọng và lắng nghe, tiếp thu những ý kiến hợp lý của cá nhân, nhờ đó quy tụ được sức mạnh, sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ được phân công; khi xong một việc đều phải có tổng kết rút kinh nghiệm, để đề ra giải pháp thích hợp để tổ chức thực hiện việc khác tốt hơn.

    Bốn là, phong cách ứng xử tự mình đối với mình. Đó chính là nghiêm khắc tự thấy, tự phê bình, tự nhìn lại chính mình, đánh giá đúng về mình để vươn lên làm chủ bản thân trong công tác, sinh hoạt hằng ngày. Theo Hồ Chí Minh, biết người không khó bằng biết mình; người ta khen mình thì dễ, tự mình thấy mình tốt, giỏi thì không khó, nhưng người khác chê mình thì nhiều lúc khó chấp nhận; tự mình thấy cái dở, cái xấu của mình lại càng khó hơn. Mặt khác, con người, nhất là cán bộ, đảng viên, thường mắc các chứng bệnh như chủ quan, tự cao tự đại, ưa người ta nịnh mình... Vì vậy, trong tất cả các mối quan hệ, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi người: “Đối với mình phải cần, kiệm, liêm, chính; hòa mà không tư; cả quyết sửa lỗi mình; cẩn thận mà không nhút nhát; hay hỏi; nhẫn nại; hay nghiên cứu, xem xét; vị công vong tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững; hy sinh; ít lòng ham muốn về vật chất; bí mật”.... Có thể thấy, Hồ Chí Minh đặt yêu cầu rất cao về tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống đối với bản thân người cách mạng.

    Tóm lại, với bản lĩnh chính trị vững vàng và trí tuệ uyên bác, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh vừa tự nhiên, khiêm tốn, chân thành, bình dị, vừa linh hoạt, biến hóa đã tạo nên sức hấp dẫn, cảm hóa đối với con người, quy tụ được các bậc yêu nước lão thành, những trí thức lớn rời bỏ cuộc sống vinh hoa để phục vụ đất nước.

    3. Những năm qua, việc thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách ứng xử của Người gắn với các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong hệ thống chính trị, các cấp đã có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tác phong làm việc, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức có chuẩn mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

    Tuy nhiên, những chuyển biến, tiến bộ nói trên chưa đồng đều, đồng bộ ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức còn biểu hiện “vô cảm”, “hách dịch”, thiếu lịch sự và thiếu sự tôn trọng, lắng nghe người khác, thậm chí có biểu hiện chỉ trích, xúc phạm người khác, dù đó là lãnh đạo, người lớn tuổi hơn mình. Mặt khác, vẫn còn những người có thói “ba hoa” nói nhiều, phóng đại sự thật, khoe khoang, nói một đàng, làm một nẻo, chưa nêu gương về đạo đức, lối sống ...

    Hiện nay, trước xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng vào thế giới, nhiều luồng văn hóa không lành mạnh, thậm chí phản động đã du nhập vào nước ta bằng những con đường, hình thức khác nhau, đe dọa nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Điều đó đặt ra những yêu cầu cấp bách cho việc giữ gìn nền văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa ứng xử để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

    Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nói trên và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách ứng xử của Người trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức những năm tới, các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

    Những chuẩn mực văn hóa ứng xử cần rèn luyện, thực hiện hằng ngày.

    Một là, ứng xử tại cơ quan, công sở:

    (1) Với công việc được giao: Tâm huyết, trách nhiệm, toàn tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao; giữ bí mật, kỷ luật, kỷ cương, uy tín, danh dự cơ quan, đơn vị và bản thân. Kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham ô, lãng phí, lời nói và việc làm sai trái, xuyên tạc, phản động.

    (2) Với cấp trên: Kính trọng, trung thành, phục tùng mệnh lệnh. Chủ động, kịp thời, khách quan, trung thực báo cáo tiến độ công việc, thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

    (3) Với đồng chí, đồng nghiệp: Đoàn kết, tôn trọng; cầu thị, lắng nghe; vui vẻ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Phải giữ chữ "tín", không bè phái, mất đoàn kết nội bộ; bao dung, chia sẻ khó khăn trong công tác, đời sống để cùng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

    (4) Với cấp dưới: Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khả năng của cán bộ thuộc quyền để bố trí, sắp xếp, giao việc phù hợp. Phát huy dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không tỏ thái độ bề trên; kịp thời động viên, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá khách quan, trung thực việc thực thi công vụ.

    Hai là, ứng xử với nhân dân, với cộng đồng dân cư: Chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy tắc nơi công cộng. Tôn trọng, lễ phép, mềm dẻo, ân cần, yêu thương, dựa vào dân, lấy dân làm gốc; biết nhân nhượng, “kính trên, nhường dưới”; trọng nhân cách, nhân phẩm, danh dự người khác; giúp đỡ người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai, trẻ em. Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, thuần phong mỹ tục, truyền thống dân tộc. Đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, người yếu thế; phê phán hành vi tiêu cực, sai trái, phản động.

    Ba là, ứng xử trong gia đình. Đó là sự hòa thuận, chung thuỷ, tình nghĩa giữa vợ chồng; lòng yêu thương, hy sinh cho con cháu; tôn trọng và hiếu lễ với ông bà, cha mẹ; hòa thuận, nhường nhịn, chia sẻ, đùm bọc giữa các anh chị em; lắng nghe và chia sẻ với những người xung quanh; ứng xử với hàng xóm, xã hội bằng thái độ hòa nhã, lịch sự.

    Bốn là, ứng xử với chính mình: Tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng; tự học, tự nghiên cứu để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của công việc. Nghiêm khắc với bản thân,"lời nói đi đôi với việc làm”, kiểm soát cảm xúc bản thân; thường xuyên “tự soi, tự sửa”, tự điều chỉnh mình cả về nhận thức và hành động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

    Trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị:

    Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong giáo dục, xây dựng văn hóa ứng xử trong các môi trường công tác, sinh hoạt của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa ứng xử và yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

    Hai là, tiếp tục thực hiện các quy định của Đảng, Chính phủ “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện trách nhiệm nêu gương về đạo đức, nói đi đôi với làm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác và cuộc sống.

    Ba là, cụ thể hóa và thực hiện nguyên tắc ứng xử văn hóa ở các cơ quan, đơn vị phù hợp với từng vị trí việc làm trong các mối quan hệ của đảng viên, cán bộ, công chức theo phương châm chân tình, thân thiện, tôn trọng, thương yêu và hướng tới việc thiện, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

    Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá nghiêm túc phong cách ứng xử của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và lấy đó làm một trong những căn cứ để nhận xét, đánh giá, thực hiện chính sách cán bộ theo quy định của Đảng và Nhà nước.

    Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng, dân tộc ta. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải luôn đề cao ý thức, trách nhiệm, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, kiên quyết đấu tranh tự khắc phục những hạn chế, yếu kém trong phong cách ứng xử hàng ngày, thực hành nền nếp thường xuyên, lời nói phải đi đôi với việc làm, nêu gương sáng về đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, trong sáng, gắn bó với nhân dân… để hoàn thành tốt bổn phận “công bộc”, “đày tớ trung thành” của nhân dân./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 315
  • Trong tuần: 84,495
  • Tất cả: 11,584,476