Lượt xem: 144

Sóc Trăng: Huy động nhiều nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn

Tại Sóc Trăng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 35% dân số, trong đó trên 30% là đồng bào Khmer. Những năm qua, ngoài các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong phát triển hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ đời sống cho người dân, nhiều địa phương còn tích cực thực hiện huy động các nguồn lực để xây dựng quê hương.

    * Nỗ lực giúp dân

    Mỹ Tú là huyện vùng sâu của tỉnh Sóc Trăng, kinh tế - xã hội còn thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm khoảng 6% dân số (gần 1.000 hộ nghèo). Chính quyền địa phương cũng xác định nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân nhằm đảo bảo an sinh xã hội.


Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cùng lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Tú và mạnh thường quân cắt băng khánh thành cầu nông thôn từ nguồn vốn xã hội hóa.

 

    Đồng chí Phạm Tuân - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mỹ Tú cho biết, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng, việc đảm bảo an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ đi đôi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thực hiện mục tiêu mang đến cho người dân có cuộc sống ổn định. Huyện uỷ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo cho người nghèo, huy động nhiều nguồn lực xã hội xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

    Cũng theo đồng chí Phạm Tuân, năm 2023, địa phương đã vận động trên 19 tỷ đồng, trong đó xây dựng 128 căn nhà, 36 cây cầu giao thông nông thôn, trị giá trên 9,5 tỷ đồng và xây dựng nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn. Ngoài ra, trong các dịp lễ, tết, huyện còn tiếp nhận và cấp phát trên 6.000 phần quà cho các đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

    Những ngày qua, đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú phấn khởi khi đưa vào sử dụng cầu giao thông nông thôn Đại Đoàn Kết 3. Cầu có chiều dài 24m, chiều rộng 3m, với tổng kinh phí xây dựng 250 triệu đồng.

    Đồng chí Châu Thị Muỗi - Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng cho biết, xã có trên 50% dân số là đồng bào Khmer. Ngoài sự quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách trong vùng đồng bào dân tộc, chính quyền địa phương còn đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nhằm chăm lo cho người dân địa phương. Cầu Đại Đoàn Kết 3 đưa vào sử dụng góp phần nối liền các tuyến đường giao thông nông thôn các ấp Tà Ân B, Bố Liên 2 và Bố Liên 3 của xã Thuận Hưng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lưu thông, vận chuyển, mua bán hàng hóa, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.

    * Huy động nguồn lực

    Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị Lê Thanh Chúc cho biết, năm 2023, huyện đã vận động xã hội hóa từ các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh được trên 38 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Việc vận động nguồn xã hội hóa từ nhân dân, doanh nghiệp giúp cho địa phương thuận lợi hơn trong xây dựng nông thôn mới. Hiện toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến năm 2025, huyện sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

    Cũng theo đồng chí Lê Thanh Chúc, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ngày công, vật kiến trúc để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn cũng như chung tay xây dựng nông thôn mới.

    Thượng tọa Thích Định Hương - Trụ trì chùa Vĩnh Phước (huyện Thạnh Trị) chia sẻ, hiện nay một số vùng nông thôn còn khó khăn trong việc đi lại do nhiều kênh rạch nên Thượng tọa đã vận động phật tử trong và ngoài tỉnh để xây dựng cầu giao thông nông thôn. Tính trong 5 năm qua, Thượng tọa liên hệ với nhà hảo tâm, phật tử gần xa, chính quyền địa phương góp kinh phí xây hơn 70 cây cầu giao thông nông thôn, tổng kinh phí trên 17,5 tỷ đồng.

    Không chỉ xây cầu bêtông, những năm qua, Thượng tọa Thích Định Hương còn vận động nhà hảo tâm thi công hơn 4.000 mét đường giao thông nông thôn, tặng 8.000 phần quà cho hộ nghèo, xây dựng 4 nhà tình thương, hỗ trợ hàng chục cây nước sạch cho các hộ khó khăn. Thượng tọa Thích Định Hương cho hay, năm 2024, Thượng tọa đang triển khai xây dựng thêm 3 cây cầu tại huyện Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm, với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng (từ nguồn vận động mạnh thường quân đóng góp).

    Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng thông tin, đồng bào Khmer tập trung nhiều tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Châu Thành, huyện Long Phú và huyện Mỹ Tú. Thời gian qua, cùng với nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, tỉnh còn quan tâm việc xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực xã hội trong việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, đảm bảo cho người dân có điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế hộ gia đình.

    Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã vận động xã hội hóa để thực hiện xây dựng gần 200 cây cầu, hàng chục km đường giao thông nông thôn ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào Khmer sinh sống, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Qua đó, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nông thôn Sóc Trăng, tạo điều kiện cho đồng bào Khmer nói riêng và nhân dân tỉnh Sóc Trăng nói chung đảm bảo điều kiện sinh hoạt, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tuấn Phi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 41
  • Hôm nay: 312
  • Trong tuần: 85,959
  • Tất cả: 11,563,166