Lượt xem: 194

Sóc Trăng siết chặt công tác quản lý các mô hình gây nuôi động vật rừng

Trong xu thế giá thịt thương phẩm của nhiều loại gia súc, gia cầm thường xuyên biến động cùng sự hạn chế về đầu ra, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi sang các đối tượng vật nuôi quý hiếm có giá trị kinh tế cao, trong đó có mô hình nuôi động vật rừng. Với nhu cầu phát triển ngày càng cao của các cơ sở gây nuôi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, tuyên truyền các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo phát huy hiệu quả kinh tế, đồng thời tránh phát sinh hệ lụy trong quá trình nuôi.

    Sóc Trăng có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, hệ thống kênh mương chằng chịt, nguồn lợi thủy sản khá đa dạng, giá cả rẻ nên người dân đã tận dụng để làm thức ăn cho chăn nuôi. Đặc biệt, trong vài năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi động vật rừng mang lại hiệu quả kinh tế khá. Mô hình gây nuôi động vật rừng với vốn đầu tư thấp, diện tích đất nhỏ, tận dụng thời gian nhàn rỗi nhưng vẫn cho lợi nhuận khá hấp dẫn, mỗi mô hình có thể cho lợi nhuận từ vài chục thậm chí vài trăm triệu đồng mỗi năm.


Ngành chức năng kiểm tra hộ nuôi rắn

 

    Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 265 cơ sở/49.395 cá thể động vật rừng, trong đó khoảng 185 cơ sở gây nuôi các loài, như: Rắn, ba ba, cua đinh, cầy vòi hương, dúi, heo rừng lai… mang lại thu nhập từ 30 - 300 triệu đồng/năm tùy theo số lượng cá thể ở từng cơ sở, còn lại 80 cơ sở gây nuôi một số loài như: Cá sấu, trăn đất, nhím, chim trĩ… Do đầu ra không ổn định, giá cả phụ thuộc vào thị trường nên có thu nhập dưới 30 triệu đồng/năm.

    Đối với việc gây nuôi các loại động vật rừng hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP; Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản đến các cơ sở gây nuôi. Riêng công tác cấp mã số đăng ký gây nuôi dựa theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP. Hiện tại, các cơ sở đều được cấp Giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi các loài thuộc nhóm IIB, Phụ lục II, III Cites.

    Xác định việc thực hiện gây nuôi động vật rừng cũng góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giúp các hộ phát triển kinh tế, hằng năm, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các bộ phận, phòng, đội, hạt kiểm lâm các huyện, thực hiện tốt công tác quản lý gây nuôi động vật rừng, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký mã số cơ sở gây nuôi và hướng dẫn mở sổ theo dõi nhập xuất theo quy định. Việc cấp mã số được đảm bảo theo đúng quy định, trình tự, thủ tục pháp luật. Các chủ cơ sở chấp hành nghiêm quy định về nguồn gốc, điều kiện chuồng trại và chăn nuôi an toàn. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thực hiện được 29 lượt kiểm tra các cơ sở gây nuôi động vật rừng. Đồng chí Nguyễn Thanh Tú – Kiểm lâm viên, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các bộ phận, phòng, đội, hạt kiểm lâm các huyện, thực hiện tốt công tác quản lý gây nuôi động vật rừng, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký mã số cơ sở gây nuôi và hướng dẫn mở sổ theo dõi nhập xuất theo quy định. Việc cấp mã số được đảm bảo theo đúng quy định, trình tự, thủ tục pháp luật. Các chủ cơ sở chấp hành nghiêm quy định về nguồn gốc, điều kiện chuồng trại và chăn nuôi an toàn. Bên cạnh đó, hằng năm, chi cục xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở theo từng quý hoặc tiến hành kiểm tra đột xuất. Nội dung kiểm tra gồm: Điều kiện chuồng trại, tình trạng an toàn cho người dân, vật nuôi; công tác vệ sinh môi trường; ngăn ngừa dịch bệnh; kiểm tra việc ghi chép sổ theo dõi nuôi động vật rừng, sổ theo dõi nhập xuất động vật rừng…”.

    Nhờ triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý nên từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình nuôi nhốt động vật rừng, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ. Đa số tổ chức, cá nhân chăn nuôi đã tự giác lập hồ sơ đăng ký nuôi nhốt và cấp mã số theo quy định, chấp hành tốt các quy định về nuôi nhốt, không có cơ sở vi phạm.

    Thay vì phát triển kinh tế biển từ lợi thế sẵn có như nhiều hộ gia đình khác ở khu vực ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, anh Trần Văn Tính lại mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để gây nuôi càng đước. Yêu cầu về chuồng trại và môi trường sống của càng đước không quá cao, nên tỷ lệ hao hụt rất thấp, khi nuôi từ 2 đến 3 năm là đạt được kích cỡ có thể xuất bán. Nhu cầu tiêu dùng đối với loài vật nuôi này chủ yếu là ở các nhà hàng lớn nên giá bán luôn dao động ở mức khá cao, từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Từ nuôi theo hình thức bán thịt, hiện nay trang trại của gia đình anh Tính còn là cơ sở cung cấp càng đước giống có uy tín cho những hộ nuôi có nhu cầu. Hiểu rõ càng đước là vật nuôi nằm trong danh mục động vật rừng, động vật quý hiếm, trang trại luôn chấp hành tốt các hướng dẫn của Chi cục Kiểm lâm về việc đăng ký cấp mã số mở sổ theo dõi khi nhập/xuất hàng; thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi… đảm bảo vật nuôi phát triển ổn định. Nhờ vậy đến nay, quy mô chăn nuôi của cơ sở ngày càng phát triển lớn mạnh hơn. Anh Tính chia sẻ: “Được tuyên truyền, hướng dẫn nên cơ sở chấp hành đầy đủ. Mỗi khi xuất bán đều ghi chép vào sổ để tiện theo dõi, quản lý. Mình cũng thực hiện vệ sinh, thay nước thường xuyên để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Hướng tới gia đình cũng dự định mở rộng quy mô hơn. Khi mình nuôi thêm thì mình cũng sẽ trình báo, đăng ký với bên Kiểm lâm”.


Ngành chức năng kiểm tra hộ nuôi càng đước

 

    Riêng với hộ anh Trần Minh Lanh ở ấp Phương Hòa 1, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, nếu như trước đây, trang trại của anh được biết đến là trại nuôi baba quy mô của tỉnh, thì từ 3 năm nay, trang trại còn phát triển thêm mô hình nuôi cua đinh với diện tích hiện tại đã đạt đến 3 ha, kể cả ao nuôi cua đinh giống và ao nuôi cua đinh thương phẩm. Việc chăm sóc cua đinh nhìn chung không khác nhiều so với baba nên mô hình nhanh chóng đạt được hiệu quả kinh tế. Bên cạnh tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, nguồn cua đinh thương phẩm tại trại nuôi của anh Võ Minh Lanh hiện còn cung cấp thường xuyên cho nhiều nhà hàng ở các tỉnh, thành lân cận. Với giá bán cua đinh giống là 350.000 đồng/con và cua đinh thương phẩm từ 2 triệu đồng/kg đã mang đến nguồn thu ổn định cho gia đình từ nhiều năm qua. Anh Trần Minh Tây - đại diện trang trại cho biết thêm: “Con cua đinh này nuôi rất ít xảy ra bệnh, dễ chăm sóc hơn các đối tượng vật nuôi khác trong số các động vật rừng, động vật hoang dã. Mình chịu chăm sóc kỹ thì tỷ lệ hao hụt từ nuôi đến lúc xuất bán là rất thấp. Khi nuôi mình có làm thủ tục đăng ký đầy đủ hết, đảm bảo được nguồn gốc, xuất xứ…”

    Gây nuôi động vật rừng, động vật hoang dã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, do đa số các mô hình này cần nguồn vốn đầu tư khá lớn, khi nhu cầu của thị trường bão hòa, sản phẩm lại không có đầu ra, vật nuôi lại trở thành gánh nặng với chính người nuôi. Vì thế, trước khi quyết định phát triển kinh tế theo hướng này, hộ chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ từ quy định hành chính đến kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, thực hiện tốt các quy định về nuôi nhốt động vật rừng; tuyệt đối không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 123
  • Hôm nay: 8876
  • Trong tuần: 94,523
  • Tất cả: 11,571,730