Lượt xem: 324

Sóc Trăng thận trọng trong vụ tôm nước lợ năm 2024

Vượt qua những khó khăn từ nhiều phía, trong năm 2023, ngành tôm cả nước nói chung và của tỉnh Sóc Trăng nói riêng vẫn cơ bản giữ được mức tăng trưởng khá tốt, cả về diện tích và sản lượng. Dù vậy, thách thức đặt ra hiện nay là giá tôm thương phẩm vẫn còn nhiều biến động, chi phí sản xuất tăng cao, dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp ở từng thời điểm. Từ thực tế này, trong vụ nuôi của năm 2024, ngành tôm Sóc Trăng đã và đang có sự khởi động khá thận trọng nhằm đảm bảo an toàn hiệu quả kinh tế trước một mùa vụ sản xuất được dự báo sẽ còn nhiều rủi ro.

 


Lãnh đạo tỉnh khảo sát tình hình thả nuôi tôm đầu vụ.

 

    Mặc dù thời điểm này, độ mặn tại 3 cống lấy nước phục vụ cho nghề nuôi tôm nước lợ tại huyện Trần Đề là tương đối tốt (đạt từ 6 - 12 ‰); nhưng hầu hết bà con nuôi tôm tại địa phương vẫn chưa nóng vội thả giống. Đơn cử như tại hộ anh Hứa Trung Việt ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, từ đầu vụ đến nay, anh chỉ mới thả nuôi 17 ao, trong tổng số 52 ao nuôi, với mật độ trung bình mỗi ao là 80 con/m2. Anh Việt chia sẻ, việc thả nuôi theo hình thức thăm dò như thế này vừa giúp ước lượng được sản lượng tôm phù hợp với nhu cầu thị trường tại từng thời điểm khác nhau, tránh được rủi ro về mặt lợi nhuận khi xảy ra tình trạng “khủng hoảng thừa”, khiến giá thu mua tôm lao dốc; vừa hạn chế được tỷ lệ thiệt hại trên tôm nuôi, một khi có dịch bệnh phát sinh. Anh Việt cho biết thêm: “Thấy giá tôm năm ngoái thấp như vậy nên năm nay mình rút kinh nghiệm, chỉ thả từng ao thôi, không thả đồng loạt nữa. Mình tập trung làm tốt khâu cải tạo, phải cải tạo cho thật sạch, lọc nước, xử lý nước thật kỹ rồi mới tiến hành thả tôm”.

    Tại vùng nuôi ở thị xã Vĩnh Châu, từ đầu vụ đến nay, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, độ mặn xuất hiện sớm hơn cùng kỳ năm trước; nên tiến độ thả nuôi tôm tại địa phương đạt cao hơn 115,1 ha so với cùng kỳ (đạt khoảng 130,8 ha). Ghi nhận tại Hợp tác xã Thủy sản Hòa Nghĩa ở xã Hòa Đông, trong vụ nuôi của năm 2023, do tác động từ yếu tố thời tiết và giá thu mua, diện tích nuôi tôm tại Hợp tác xã đạt thấp hơn so với cùng kỳ, sản lượng tôm chỉ đạt 320 tấn, lợi nhuận của các thành viên vì vậy không cao. Rút kinh nghiệm từ vụ nuôi vừa qua, bên cạnh tuân thủ tốt lịch thời vụ thả nuôi tôm theo đúng khuyến cáo, ở vụ nuôi năm nay, Hợp tác xã đã chủ động xây dựng phương án sản xuất phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng tài chính của từng thành viên. Một trong những giải pháp được Hợp tác xã hướng đến để gia tăng lợi nhuận là nuôi tôm về size lớn thông qua việc áp dụng mô hình nuôi tôm lưới đáy. Hình thức nuôi này, nhìn chung không khác nhiều so với mô hình nuôi tôm ao bạt, nhưng lợi thế mà mô hình mang lại là mực nước trong ao nuôi sẽ cao hơn (mực nước đạt từ 1,8m - 2m), việc nuôi tôm về size lớn theo đó sẽ thuận lợi, khi có thể thả nuôi với mật độ thưa. Giám đốc Hợp tác xã Hòa Nghĩa Ngô Thanh Tuấn cho biết thêm: “Mô hình này thì cũng giống như khi nuôi ao bạt vậy thôi. Cũng gây màu, lấy nước, siphong tự động. Lúc đầu mình vèo tôm trên ao bạt, được khoảng 2 tháng mình bắt đầu chuyển qua ao lưới đáy, như vậy nó sẽ giãn mật độ thưa ra, tốc độ tôm lớn sẽ nhanh hơn”.

    Trong vụ nuôi của năm 2024, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi tôm là 50.820 ha, sản lượng tôm nuôi là 212.000 tấn. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được 2.978 ha tôm nước lợ. Tiến độ thả nuôi dù có chậm hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra. Mặc dù thời điểm này, điều kiện thời tiết và độ mặn tương đối thuận lợi, nhưng ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nuôi tôm không nên chủ quan, nên ưu tiên thả nuôi theo phương thức rải vụ, cuốn chiếu liên hoàn. Đặc biệt là kiểm soát tốt đối với các bệnh xuất hiện trên tôm giống. Đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo thêm: “Hiện nay, một số bệnh như bệnh đục thủy tinh, bệnh hoại tử gan tụy cấp hay bệnh đốm trắng... đang là các bệnh khá phổ biến trong vấn đề tôm giống. Do đó, khi chọn mua con giống, bà con nuôi tôm nên có sự liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng để có thể truy xuất rõ nguồn gốc, chất lượng. Nếu có điều kiện, trước khi thả giống, chúng ta nên ương dưỡng để theo dõi quá trình phát triển của giống, sau đó mới tiến hành thả qua ao nuôi. Bởi vì đối với các bệnh này thường xảy ra trên tôm giống từ dưới 1 tháng tuổi, nên nếu thực hiện ương dưỡng lại rồi mới thả nuôi, sẽ giúp bà con kiểm soát bệnh trên tôm giống được tốt hơn, hạn chế được tối đa thiệt hại. Về phía Chi cục cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, cung ứng tôm giống và các sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản; đảm bảo người nuôi tiếp cận được với nguồn vật tư đầu vào uy tín, chất lượng”.


Chuẩn bị mô hình nuôi tôm lưới đáy.

 

    Không mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao sản lượng và cải thiện chất lượng là định hướng quan trọng của ngành nông nghiệp Sóc Trăng đối với lĩnh vực sản xuất tôm nước lợ. Việc thả nuôi theo hình thức thăm dò, tiên phong áp dụng mô hình nuôi mới để cải thiện hiệu quả sản xuất… cho thấy người nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đã có sự thận trọng hơn trong sản xuất, đảm bảo an toàn trong vụ nuôi được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đây cũng là tiền đề quan trọng để “ngành hàng tỷ đô” của tỉnh có thể “trụ vững” trước sự biến động về giá thu mua và nhu cầu thị trường; giúp ngành tôm Sóc Trăng hiện thực hóa mục tiêu đóng góp 10% vào Kế hoạch hành động quốc gia - phát triển ngành tôm đạt giá trị xuất khẩu là 10 tỷ USD vào năm 2025 theo yêu cầu đặt ra của Thủ tướng Chính phủ.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 173
  • Hôm nay: 11344
  • Trong tuần: 96,991
  • Tất cả: 11,574,198