Lượt xem: 256

Trần Đề chủ động phòng, chống lụt bão, triều cường dâng cao những tháng cuối năm

Huyện Trần Đề có chiều dài bờ biển 12 km, là một trong những địa bàn xung yếu của tỉnh bị ảnh hưởng lụt, bão và triều cường dâng cao, do đó, hằng năm huyện chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, trong đó chú trọng việc gia cố các đoạn đê bao xung yếu nhằm đảm bảo sinh hoạt và sản xuất của người dân.

 


Người dân phấn khởi khi được huyện đầu tư làm kè ngăn ngập nước tuyến đường thuộc ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình.

 

    Những năm gần đây, do chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng kết hợp với triều cường dâng cao đã làm sạt lở và tràn một số đoạn đê bao trên địa bàn huyện gây ảnh hưởng đến sản xuất và giao thông đi lại của bà con. Để chủ động ứng phó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các tuyến đê xung yếu có nguy cơ sạt lở, tràn để kịp thời gia cố.

    Khu vực tuyến đê thuộc ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình với chiều dài trên 1,3 km, có hơn 200 hộ dân sinh sống, thường xuyên bị ngập nước khi triều cường dâng cao. Có năm đỉnh triều tràn qua tuyến đê này hơn 0,5 mét. Để chủ động ứng phó, năm nay UBND huyện đã đầu tư với kinh phí hơn 600 triệu đồng để xây dựng kè ngăn ngập nước dọc theo tuyến đê. Công trình đã hoàn thành, người dân vô cùng phấn khởi, không còn lo lắng mỗi khi triều cường dâng cao.

    Ông Đặng Văn Khởi - ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, chia sẻ “Hằng năm, triều cường dâng cao từ tháng 9, tháng 10 và tháng 11 âm lịch trở đi, do đó tuyến đường này ngập rất sâu, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của bà con ở đây. Được huyện quan tâm xây dựng kè ngăn ngập nước, người dân hết sức phấn khởi. Tin tưởng những con nước về sau sẽ không tràn nữa, đời sống bà con ổn định hơn”.

    Đồng chí Tăng Khum - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Bình, cho biết: “Công tác phòng, chống thiên tai, triều cường dâng cao được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã rất quan tâm. Hằng năm, xã chủ động rà soát các tuyến đê xung yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở để kịp thời gia cố. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân góp sức cùng địa phương gia cố những đoạn đê có nguy cơ bị tràn khi có triều cường dâng cao để đảm bảo an toàn sinh hoạt và sản xuất của người dân”.

    Thị trấn Trần Đề cũng là một trong những địa bàn xung yếu của huyện do nằm ven sông Hậu, có nhiều đoạn đê bao thường xuyên bị ảnh hưởng khi triều cường dâng cao. Trong đó, khu vực tuyến đê Bến Phà Ngan Rô 1 với chiều dài hơn 1 km, có hơn 100 hộ dân sinh sống và 10 ha diện tích sản xuất hoa màu phía trong đê thường xuyên chịu ảnh hưởng. Để đảm bảo việc sinh hoạt, đi lại và sản xuất của bà con, năm 2022, UBND huyện đã đầu tư 14,8 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đê này rộng 3,5 mét và làm kè ở những đoạn sạt lở.

    Ông Trần Minh Hữu - ấp Ngan Rô 1, thị trấn Trần Đề, cho biết “Hằng năm, mỗi khi mưa bão kết hợp với triều cường dâng cao là tuyến đê Bến Phà Ngan Rô 1 bị nước tràn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Năm nay, rất phấn khởi được cấp trên đầu tư nâng cấp làm con đường này, rồi làm kè chống sạt lở, đảm bảo ngăn chặn triều cường dâng cao”.

    Đồng chí Nguyễn Thanh Hậu - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề, cho biết thêm: “UBND thị trấn rà soát những tuyến đê bao ngăn mặn, phòng, chống thiên tai và triều cường dâng cao, khu vực nào có nguy cơ sạt lở để đề nghị về huyện gia cố. Rất phấn khởi vì năm nay được huyện quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường Bến Phà Ngan Rô 1 thì khu vực này sẽ không còn ngập nước, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, lưu thông hàng hoá, đi lại dễ dàng”.

    Theo dự báo của ngành chức năng, diễn biến thời tiết trong những tháng cuối năm 2022 sẽ còn phức tạp, khó lường và sẽ có những cơn bão diễn ra. Do đó, bên cạnh việc ứng phó triều cường dâng cao, huyện cũng chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn có phương án cụ thể. Trong đó, xác định các khu vực trọng điểm, khu vực cứu hộ, cứu nạn trên biển, trên sông, khu vực đê bao cần được bảo vệ, khu vực dự kiến phải di dời dân khi có triều cường, khu vực neo đậu, trú ẩn của các phương tiện tàu, thuyền khi có bão.

    Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề - Trần Hoàng Dũng, cho biết: “Để chủ động phòng, chống thiên tai và triều cường dâng cao vào những tháng cuối năm 2022, Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn huyện cũng đề nghị các xã, thị trấn kiểm tra lại các tuyến đường, dọn dẹp cây có khả năng đổ ngã khi mưa bão. Đối với các hệ thống cống và công trình xuống cấp thì tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố để tránh nước tràn vỡ đê gây thiệt hại cho bà con. Tôi cũng đề nghị bà con, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, mưa bão, khuyến cáo bà con tiến hành chằng chống nhà cửa cho đảm bảo an toàn”.

    Mưa giông, lụt bão, triều cường dâng cao sẽ còn diễn ra và ngày càng phức tạp hơn. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Trần Đề đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thường xuyên. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống để bảo vệ tài sản và tính mạng của chính mình.

Văn Sông



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 67
  • Hôm nay: 2786
  • Trong tuần: 88,086
  • Tất cả: 11,555,142