Lượt xem: 594

Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

Quán triệt các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Chương trình số 51-CTr/TU, ngày 10/5/2024 thực hiện Nghị quyết.

    * Tình hình Sóc Trăng

    Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Chương trình hành động số 20-CTr/TU, ngày 07/11/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về tầm quan trọng của đội ngũ trí thức ngày càng được nâng lên. Các cấp, các ngành kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương về phát triển đội ngũ trí thức; hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiện có và ban hành các chính sách mới phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh; tăng cường đầu tư từ nhiều nguồn lực, giúp đội ngũ trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được tôn vinh; đồng thời, từng bước hoàn thiện môi trường, điều kiện hoạt động của trí thức; thực hiện tốt chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức; chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, thu hút nguồn nhân tài; triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ, văn hóa, văn nghệ,... đạt được nhiều kết quả tích cực.


Tọa đàm khoa học Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh minh họa

 

    Phần lớn trí thức có tinh thần nỗ lực, vượt khó vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; rèn luyện đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, việc luân chuyển, điều động, bố trí, tuyển dụng và sử dụng trí thức thực hiện đúng theo quy định, quy trình, cơ cấu hợp lý, công khai dân chủ, phù hợp theo từng lĩnh vực, từng ngành, từng đơn vị; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm thực hiện thường xuyên;... Qua đó, đội ngũ trí thức đã có bước phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng, có mặt hầu hết ở các lĩnh vực (gồm có 21 tiến sĩ, 1.017 thạc sĩ, 47 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 408 bác sĩ chuyên khoa cấp I và hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức đang học sau đại học), đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các chế độ, chính sách về thu hút và phát triển đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh; số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ trí thức của tỉnh phát triển chưa đồng đều, còn thiếu hợp lý về ngành nghề, chủ yếu tập trung ở một số ngành khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế,...; đội ngũ chuyên gia đầu ngành, có năng lực chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật còn thiếu và yếu. Cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chưa phát huy hiệu quả, chưa thu hút được nhân lực giỏi, có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh. Việc bố trí, sử dụng trí thức sau đào tạo chưa tương xứng với trình độ, năng lực của đội ngũ trí thức, nhất là trí thức được đào tạo ở nước ngoài. Hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh còn nhiều khó khăn chưa thực hiện tốt vai trò là “cầu nối” giữa trí thức với Đảng, nhà nước; chưa có giải pháp hiệu quả để thu hút, tập hợp trí thức trong và ngoài nước tích cực tham gia hiến kế, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới phục vụ cho sự phát triển của tỉnh nhà.

    Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trên chủ yếu là do: Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế; chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức; môi trường làm việc chưa thật sự hấp dẫn đối với một số trí thức được đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức thật đầy đủ về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của trí thức. Công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng trí thức chưa thật sự đồng bộ; cơ chế, chính sách xã hội hóa, thu hút, đãi ngộ trí thức chưa đủ mạnh, nhất là đối với đội ngũ trí thức trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc; công tác tuyển dụng đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, sau đại học còn nhiều hạn chế, bất cập...

    * Mục tiêu phấn đấu

    Mục tiêu tổng quát: Phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực mới, then chốt, trọng yếu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

    Mục tiêu cụ thể:

    - Phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức, nhất là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực mới, then chốt, trọng yếu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.

    - Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện. Ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ; quan tâm đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị, quản lý, giáo dục, y tế, văn hóa, văn học, nghệ thuật.

    - Chú trọng phát triển số lượng trí thức có trình độ sau đại học đáp ứng mức chuẩn theo quy định cho tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo, y tế, cơ quan quản lý khoa học, công nghệ và các đơn vị sự nghiệp về khoa học, công nghệ.

    - Thực hiện đạt các mục tiêu theo Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 11/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025.

    - Đến năm 2025, phấn đấu năng suất lao động tăng từ 6,2 - 6,5%/năm, đóng góp của khoa học, công nghệ từ đội ngũ trí thức thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong cả giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 40% GRDP.

    - Đến năm 2030, phấn đấu năng suất lao động tăng từ 7,2 - 7,5%/năm, đóng góp của khoa học, công nghệ từ đội ngũ trí thức thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong cả giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 45%.

    Mục tiêu cụ thể đến năm 2045: Đến năm 2045, xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh lớn mạnh, bảo đảm chất lượng và số lượng, có cơ cấu hợp lý trong tất cả các ngành, lĩnh vực, có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh và bền vững.

    * Nhiệm vụ và giải pháp

    Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức

    Quán triệt đầy đủ, toàn diện, sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, thống nhất nhận thức trong các cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Tổ chức các hội nghị chuyên sâu để quán triệt nội dung Nghị quyết số 45NQ/TW, Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW cho đội ngũ trí thức theo từng nhóm ngành, lĩnh vực ở các địa phương, đơn vị.

    Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến; đổi mới nội dung, phương thức; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường sự đồng thuận của đội ngũ trí thức đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Chú trọng đề cao vinh dự, đạo đức, tinh thần cống hiến, trách nhiệm của trí thức đối với Tổ quốc, dân tộc và với địa phương.

    Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể  nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng, tôn vinh đội ngũ trí thức phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị. Xác định lĩnh vực, địa bàn trọng điểm để phát huy tốt nhất năng lực, sự cống hiến, tâm huyết của đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực mới, then chốt, trọng yếu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Động viên trí thức phát huy quyền làm chủ, tham gia đóng góp cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, chính sách trong phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, đất nước.

    Đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có nhiều trí thức, đảng viên là trí thức, nhất là trí thức lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; trách nhiệm nêu gương gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong các cơ quan, tổ chức có nhiều đảng viên là trí thức.

    Định kỳ hằng năm, tổ chức họp mặt giữa lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh với trí thức khoa học và công nghệ nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) để tuyên truyền về chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đối thoại, lắng nghe, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đội ngũ trí thức.

    Thứ hai, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài

    Tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao; bồi dưỡng nhân tài trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học; xác định lĩnh vực, hướng nghiên cứu trọng điểm, ưu tiên gắn với yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với việc hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công trình, dự án quan trọng của tỉnh để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức; đổi mới công tác quản lý khoa học, công nghệ; chú trọng hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp thu và truyền bá tri thức tiên tiến. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ sở giáo dục cao đẳng.

    Cơ cấu lại để sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức là cán bộ, công chức, viên chức hiện có. Thực hiện tốt việc tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; việc quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình của Đảng và Nhà nước và phải dựa trên cơ sở đánh giá cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ; tăng cường công tác luân chuyển cán bộ nhằm rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn. Quan tâm bổ nhiệm trí thức có tư duy đổi mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,… Thu hút, trọng dụng nhân tài, hướng tới tạo nguồn cán bộ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực công nhằm phục vụ lâu dài cho sự phát triển của tỉnh. Quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho trí thức trẻ, công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới biển, đảo, trong lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc thiểu số,...

    Thứ ba, tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức

    Khẩn trương thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới; có cơ chế phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao đạo đức, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, văn học, nghệ thuật.

    Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật; hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc phát triển đội ngũ trí thức; xử lý nghiêm hành vi vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng đội ngũ trí thức. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về xây dựng đội ngũ trí thức theo hướng toàn diện, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả giữa các khu vực, ngành, lĩnh vực trụ cột, gắn với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

    Ban hành cơ chế để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tập hợp, huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành trong cả nước tham gia đóng góp ý kiên, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với việc hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công trình, dự án quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

    Xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ trí thức; làm tốt công tác dự báo, yêu cầu, kế hoạch phát triển đội ngũ trí thức trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương; đồng thời, cung cấp, hỗ trợ cho công tác tập hợp, huy động trí thức thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

    Ban hành quy chế xét tặng giải thưởng khoa học và công nghệ của tỉnh nhằm tôn vinh trí thức có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

    Thứ tư, tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

    Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh; tạo môi trường thuận lợi cho trí thức làm việc, nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến. Khuyến khích khu vực tư nhân thành lập các quỹ đầu tư khoa học và công nghệ, thu hút trí thức tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức có năng lực tham gia nghiên cứu, thực hiện đề tài, đề án, nhiệm vụ khoa học, công nghệ quan trọng của tỉnh.

    Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho các nhà khoa học được tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm, phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới. Xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, các cơ sở giáo dục, các tổ chức khoa học và công nghệ,… Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật.

    Tăng cường hợp tác với trí thức người Việt Nam nói chung, kiều bào Sóc Trăng nói riêng sinh sống, làm việc ở nước ngoài và trí thức người nước ngoài trong chuyển giao, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những lĩnh vực mới, quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển của tỉnh.

    Nghiên cứu sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành Trung tâm Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của tỉnh trên cơ sở tăng cường tiềm lực, bổ sung chức năng nhiệm vụ, sắp xếp, tổ chức lại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng nhằm tăng cường hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khai thác phát triển tài sản sản trí tuệ, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của tỉnh.

    Nghiên cứu thực hiện tốt chính sách đưa cán bộ, học sinh, sinh viên của tỉnh có phẩm chất chính trị, đạo đức và triển vọng tham gia các chương trình hợp tác đào tạo ở nước ngoài; chú trọng các điều kiện cần thiết về ngoại ngữ để đáp ứng được yêu cầu đối với những chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu. Áp dụng chính sách, cơ chế bảo đảm chất lượng, đào tạo lại chuyên môn cho đội ngũ trí thức; khuyến khích trí thức thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi do thực tiễn đặt ra trong mỗi giai đoạn phát triển của tỉnh.

    Thứ năm, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức

    Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học giỏi, nhân tài, trí thức trẻ nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tin tưởng và ủng hộ đường lối, chủ trương của Đảng; nhận thức sâu sắc về sứ mệnh của trí thức đối với đất nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, chủ động tham gia nghiên cứu, nâng cao năng lực, trình độ. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của đội ngũ trí thức, góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các hội trí thức trong tỉnh theo hướng sát thực tiễn; động viên, phát huy tối đa vai trò, tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức. Chú trọng nâng cao vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đội ngũ trí thức; thu hút, tập hợp, đoàn kết, xây dựng đội ngũ trí thức; phát triển tổ chức, phát triển hội viên; làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với đội ngũ trí thức.

    Tạo điều kiện cho các hội trí thức, đội ngũ trí thức đóng góp ý kiến, tham gia hoạt động tư vấn, giám sát, phản biện, giám định xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động các hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Có cơ chế tạo điều kiện cho các hội trí thức tham gia thực hiện một số dịch vụ công, giám sát hoạt động nghề nghiệp, kiểm định và công bố chất lượng một số dịch vụ công.

    Xây dựng tổ chức đảng trong các hội trí thức của tỉnh trong sạch, vững mạnh, đóng vai trò nòng cốt chính trị trong hoạt động của hội. Quan tâm phát triển đảng viên trong đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ đáp ứng yêu cầu của đảng bộ các cấp trong tỉnh.

Hồng Nhi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 195
  • Hôm nay: 5061
  • Trong tuần: 89,653
  • Tất cả: 12,556,307