Lượt xem: 330

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sóc Trăng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

Mỗi thời kỳ khác nhau đặt ra những yêu cầu mới trong xây dựng nền văn hóa, con người. Đối với Sóc Trăng, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay đặt ra những vấn đề mới trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người nhằm tạo sức mạnh nội sinh, giúp tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững, phồn vinh, hạnh phúc.

    Sóc Trăng là tỉnh nằm cuối lưu vực sông Hậu, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có dân số gần 1,2 triệu người (năm 2023) với ba dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa sinh sống cộng cư với nhau. Tuy mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc sắc riêng, nhưng trong quá trình sinh sống, có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, tạo nên bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo của con người Sóc Trăng. Sóc Trăng còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được công nhận cấp tỉnh và cấp quốc gia. Việc gìn giữ, phát huy bản sắc các giá trị văn hóa này là nhiệm vụ quan trọng tạo sức mạnh nội sinh giúp tỉnh ngày càng phát triển.

    Những năm qua, nhất là từ năm 2014 đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (viết tắt là Nghị quyết số 33), việc xây dựng văn hóa, con người ở tỉnh Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về phát triển văn hóa, con người trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được nâng lên. Vai trò quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường. Việc xây dựng nếp sống văn hóa, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong cộng đồng dân cư được chú trọng và phát huy hiệu quả. Chất lượng giáo dục, y tế được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cơ sở phát triển rộng khắp (hiện có 109/109 xã, phường, thị trấn đều có nhà văn hoá, 741/775 khóm, ấp có nhà văn hoá, đạt tỷ lệ 95,61%...). Các giá trị văn hóa đa dạng của tỉnh được bảo tồn, tôn tạo, phát huy; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng...


Đua ghe Ngo - lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức định kỳ hai năm/lần tại tỉnh Sóc Trăng. Nguồn tuyengiao.vn

 

    Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33 trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng chưa quyết liệt; quản lý nhà nước về văn hóa ở một số địa phương còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của phát triển văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” chất lượng chưa cao; việc công nhận gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa còn mang tính hình thức. Việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy các di sản văn hóa còn nhiều hạn chế; một số di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp chưa được trùng tu, sửa chữa, do kinh phí hạn chế, đầu tư dàn trãi. Công tác đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động; lao động có tay nghề cao chiếm tỷ trọng thấp. Các thế lực thù địch bằng mọi thủ đoạn đưa văn hóa phẩm có nội dung mê tín dị đoan, phản động nhằm xuyên tạc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa các dân tộc,...

    Những hạn chế, yếu kém nói trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là: Cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu một số cơ quan, địa phương chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển văn hóa, chưa đặt phát triển văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị. Các cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực đầu tư cho văn hóa chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Kinh tế - xã hội, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn nên rất khó thu hút được các nhà đầu tư văn hóa vào khu vực này, làm ảnh hưởng việc hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Một bộ phận nhân dân chạy theo giá trị vật chất, dần đánh mất các giá trị văn hóa truyền thống, trong khi các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập làm lệch lạc nhận thức về văn hóa của người dân, thậm chí làm phai nhạt, bào mòn bản sắc văn hóa truyền thống, nhất là ở tầng lớp thanh thiếu niên...

    Những năm tới, trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những thuận lợi, nhiều luồng văn hóa không lành mạnh, thậm chí phản động đã du nhập vào tỉnh ta, đe dọa nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên lĩnh vực văn hóa làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tình cảm của người dân. Do đó, để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc và con người Sóc Trăng theo tinh thần Nghị quyết số 33, tỉnh Sóc Trăng xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

    Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 33 và Chương trình hành động số 37-CTr/TU của Tỉnh ủy Sóc Trăng về thực hiện Nghị quyết số 33 trong nội bộ và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, từng cá nhân, gia đình, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó, tạo thống nhất tư tưởng và hành động của toàn xã hội trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người từ tỉnh đến cơ sở.

    Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị trong xây dựng văn hóa trong tổ chức Đảng, trong hệ thống chính trị, văn hóa công sở. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tôn trọng và chấp hành pháp luật. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và con người Sóc Trăng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển”. Ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, các tiêu cực, tệ nạn xã hội.

    Thứ hai, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Sóc Trăng tương xứng với tăng trưởng kinh tế và mục tiêu phát triển toàn diện của tỉnh; trong đó, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp di sản văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia đang xuống cấp, hư hỏng và các cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Cần thống nhất quan điểm: Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho nguồn lực con người.

    Chú trọng phát triển văn học, nghệ thuật; khuyến khích sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tính nhân văn, góp phần xây dựng văn hóa, con người Sóc Trăng trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh. Phát triển hệ thống thông tin đại chúng, truyền thông đa phương tiện. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn thông tin sai trái, sản phẩm văn hóa độc hại, góp phần làm lành mạnh hóa xã hội.

    Thứ ba, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

    Quán triệt và thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng là: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Coi trọng cả ba mặt trong phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời, quán triệt phương châm: Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Chủ động hạn chế, khắc phục mặt tiêu cực của cơ chế thị trường và bệnh thành tích trong giáo dục, đào tạo. Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa các loại hình, giữa các vùng, miền; ưu tiên cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo.

    Nâng cao nhận thức và ý thức, phát huy trách nhiệm của mỗi người trong thực hiện “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội. Phát huy truyền thống tốt đẹp và đạo lý “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam; trong đó, thầy cô giáo luôn giữ đúng “đạo làm thầy”, là những tấm gương về đạo đức, lối sống, tự học, tự rèn luyện, tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và hết lòng yêu thương học trò; còn học sinh phải luôn thực hiện đúng “đạo học trò”, yêu kính và tôn trọng thầy cô giáo, cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện vì một tương lai tốt đẹp.

    Quan tâm đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV “về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” cho các cơ sở giáo dục - đào tạo, đặc biệt là Trường Chính trị tỉnh, Trường Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Nghề, để các cơ sở đào tạo này trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Bản thân các trường phải tự đổi mới theo hướng chính quy, chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

    Thứ tư,  phát huy bản sắc, giá trị văn hóa của các dân tộc và phẩm chất con người Sóc Trăng với xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

    Tập trung xây dựng và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa, phẩm chất con người Sóc Trăng phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất theo tư tưởng văn hóa, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, quy ước cộng đồng, bảo vệ môi trường; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” “Tương thân tương ái”, ... Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh. Gắn xây dựng, phát triển con người với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, phát triển con người Sóc Trăng. Thực hiện những biện pháp mạnh để ngăn chặn hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống hiện nay.


Gìn giữ nghề truyền thống, những sản phẩm làm từ tre được đan đát khéo léo của Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Tư liệu

 

    Tiếp tục quảng bá, giới thiệu hình ảnh quê hương và con người Sóc Trăng trên các phương tiện truyền thông; bảo vệ, phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững của truyền thống văn hóa địa phương và bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Khơi dậy phẩm chất văn hóa của con người Sóc Trăng: “Tự tin, tự chủ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vì mục tiêu phát triển của tỉnh và chung sức thực hiện các chính sách an sinh xã hội vì cộng đồng.

    Thứ năm, quan tâm bồi dưỡng, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiêu biểu trong thực hiện, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và phẩm chất con người Sóc Trăng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phải thường xuyên vận động, xây dựng, biểu dương, cổ vũ những tấm gương tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa, nhất là văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, ứng xử trong giao tiếp các quan hệ xã hội và trong cuộc sống hàng ngày. Đẩy mạnh và nhân rộng các phong trào thi đua “người tốt, việc tốt”, “dạy tốt, học tốt”, “xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”; “xây dựng các xã, phường, thị trấn văn hóa”, “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”... tạo động lực thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa, làm cho các giá trị văn hóa ngày càng thấm sâu và lan tỏa trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội để mọi người dân được hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần tốt đẹp.

    Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sóc Trăng là một trong những yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Muốn vậy, đòi hỏi sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển của toàn dân tạo thành sức mạnh tổng hợp để hiện thực hóa mục tiêu “đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững; đến 2030 thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”./.

Phòng Khoa giáo, Văn hóa Văn nghệ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 124
  • Hôm nay: 6895
  • Trong tuần: 91,487
  • Tất cả: 12,558,141