Lượt xem: 15643

Chủ động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội tạo sự thống nhất trong nội bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, ngăn chặn thông tin xấu độc, xuyên tạc

Nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là yêu cầu khách quan trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của các cấp, các ngành, luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”.

 


Báo chí chính thống phải giữ vai trò chủ đạo thông tin, định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ hiện nay.

 

    Nắm bắt và định hướng dư luận xã hội là một nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng và của hệ thống chính trị các cấp. Nhiệm vụ của công tác dư luận xã hội là nắm bắt kịp thời, chính xác tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để phản ánh kịp thời, trung thực và đầy đủ nhất nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, điều hành của chính quyền các cấp.

    Dư luận và dư luận xã hội là một hiện tượng tâm lý xã hội khá phổ biến trong đời sống xã hội. Trong đó, dư luận là hiện tượng tâm lý bắt nguồn từ một nhóm người về một vấn đề nào đó kèm theo những phán đoán, bình luận và thái độ của họ, được truyền từ nhóm người này sang nhóm người khác. Nếu dư luận này được lan truyền rộng rãi, được lặp lại, liên quan đến lợi ích chung, thu hút sự quan tâm của nhiều người và nhóm người thì trở thành dư luận xã hội.

    Trong thực tế, dư luận xã hội thường gắn liền với: (1) Những sự kiện chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội quan trọng của đất nước, địa phương; (2) Việc ban hành và thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương; (3) Thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị chủ chốt các cấp trong thực thi công vụ. Dư luận xã hội có thể biểu thị công khai hoặc lan truyền ngấm ngầm, nhưng luôn mang tính “nặc danh” chứ không gắn với cá nhân hay nhóm người cụ thể. Song, thông qua lời khen, chê, khuyên can đối với các hành vi phù hợp hoặc không phù hợp với lợi ích, các giá trị xã hội, nhất là các giá trị đạo đức, dư luận xã hội có tác dụng lớn trong giáo dục con người ý thức về phải - trái, đúng - sai, thiện - ác, đẹp - xấu. Mặt khác, dư luận xã hội cũng có khả năng răn đe, cảnh báo, gây áp lực với chính các đối tượng có hành vi vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, vi phạm đạo đức, lối sống. Với ý nghĩa đó, dư luận xã hội cũng tác động mạnh đến việc lãnh đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp.

    Tuy nhiên, trong thực tế, khi nghiên cứu dư luận xã hội, cần lưu ý: Thứ nhất, phân biệt rõ dư luận xã hội với tin đồn. Tin đồn cũng là một hiện tượng tâm lý xã hội, nhưng đó chỉ là tin tức về sự việc, sự kiện, hay hiện tượng chưa được xác minh (có thể là thật, nhưng có thể không thật hoặc có một phần sự thật nhưng được hư cấu cho hấp dẫn, thậm chí mang tính bịa đặt) lan truyền từ người này sang người khác. Vì vậy, mục đích của tin đồn thường không tốt đẹp. Ngày nay, trong điều kiện phát triển mạnh của công nghệ thông tin, tin đồn không chỉ được truyền miệng mà xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội, bằng thư, fax, tin nhắn… Hơn nữa, tin đồn thường xuất hiện ở những nơi công tác thông tin, tuyên truyền chính thống chưa đúng mức. Vì thiếu thông tin, nên nhiều người thường hay nghe tin đồn.

    Thứ hai, cũng như các hiện tượng tâm lý xã hội khác, dư luận xã hội cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Nếu dư luận xã hội hình thành dựa vào nguồn thông tin xác thực và có thật trong đời sống xã hội thì nó sẽ trở thành thông tin hữu ích, nhờ đó, các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp. Ngược lại, nếu dư luận xã hội hình thành từ những thông tin không có căn cứ xác thực hoặc dựa vào nguồn thông tin không rõ ràng thì nó chỉ là tin đồn.

    Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị trong và ngoài nước luôn lợi dụng những tin đồn để xuyên tạc, bóp méo sự thật; sử dụng mạng xã hội để loan tin công kích, chống phá Đảng và Nhà nước nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh, trật tự xã hội. Nguy hiểm hơn, trước những vấn đề nóng mà người dân quan tâm, đã bị một số tờ báo mạng, báo “lá cải” lợi dụng vấn đề giám sát, phản biện xã hội đưa ra những phân tích, đánh giá thiếu khách quan, phiến diện, dẫn dắt, đưa tin giật gân, xuyên tạc, làm nhiễu thông tin nhằm thu hút sự hiếu kỳ của độc giả, ảnh hưởng đến công tác định hướng dư luận xã hội.

    Trong bối cảnh đó, công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng và là nhiệm vụ thường xuyên của công tác tư tưởng của cấp ủy và hệ thống chính trị các cấp, nhằm góp phần giữ vững an ninh, trật tự, ổn định xã hội để đất nước, địa phương phát triển. Sự thống nhất tư tuởng và hành động trong nội bộ và sự đồng thuận trong nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và địa phương là thước đo về hiệu quả và sự thành công của công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền của các cấp, các ngành. Điều này đồng nghĩa với việc những tin đồn nhãm, thông tin xấu độc không cơ hội phát triển.

    Mục đích của định hướng dư luận xã hội là góp phần làm thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi, thái độ và hành động của các nhóm xã hội theo hướng có lợi cho quốc kế, dân sinh, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, để định hướng được dư luận xã hội có hiệu quả, các chủ thể lãnh đạo, quản lý phải trả lời được cụ thể, chính xác 3 câu hỏi: Dư luận xã hội của nhóm xã hội nào? Nội dung chủ đạo của dư luận xã hội đó là gì? Lợi ích bao trùm, theo đuổi của nhóm xã hội chủ thể của dư luận xã hội đó là gì? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, cán bộ, đảng viên các cấp thực hành nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là “người biết lãnh đạo”. Người còn chỉ rõ, người lãnh đạo phải chuyển hóa kết quả nắm bắt, phân tích, nghiên cứu dư luận xã hội thành nội dung của công tác tư tưởng.

    Những năm qua, công tác điều tra, nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên, được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh quan tâm. Qua đó, đã kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương giải quyết các vấn đề dư luận quan tâm. Tuy nhiên, công tác nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn một số nơi còn một số mặt hạn chế cần tập trung khắc phục, đó là: Việc nắm bắt dư luận xã hội có lúc còn chậm, chưa toàn diện, từ đó định hướng tư tưởng và dư luận xã hội thiếu kịp thời, hiệu quả chưa cao. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ quan chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, dẫn đến chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng trong công tác này trên địa bàn. Chưa có cơ chế chính sách, tạo động lực cho đội ngũ cộng tác dư luận xã hội các cấp, nhất là ở cơ sở, trong khi hầu hết lực lượng này là kiêm nhiệm nên không có điều kiện nghiên cứu sâu vấn đề này.

    Để nâng cao hiệu quả nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong nội bộ, sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và địa phương, ngăn chặn tin đồn thất thiệt, thông tin xấu độc, cần quan tâm một số việc sau:

    1. Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu, định hướng dư luận xã hội, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhất là của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, địa phương và của mỗi cán bộ, đảng viên. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, địa phương quan tâm chỉ đạo, định hướng hoạt động, bố trí cán bộ, các điều kiện bảo đảm cho công tác này. Đồng thời, chỉ đạo các cấp chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của từng nhóm đối tượng trong phạm vi, địa bàn phụ trách để có biện pháp giải quyết đúng đắn, kịp thời các vấn đề bức xúc phát sinh.

    Đối với cán bộ, đảng viên được phân công, nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở, phải là lực lượng nòng cốt trong hoạt động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; phải đi đầu trong tuyên truyền, vận động, giải thích cho dân hiểu về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương; vạch trần âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; phải đi vào các điểm nóng dư luận xã hội để tìm hiểu, đối thoại với dân, lắng nghe tâm tư của người dân, qua đó định hướng tư tưởng, dư luận xã hội. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: cán bộ, đảng viên phải “… tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm sự của nhân dân, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Có như vậy thì hoạt động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội mới kịp thời, đúng và trúng, công tác tư tưởng mới có chất lượng, hiệu quả.

    2. Tăng cường công tác thông tin định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thông tin về những vấn đề được dư luận quan tâm, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mặt khác, các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin, truyền thông và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dư luận xã hội để lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ, đẩy lùi thông tin xấu độc. Chủ động xây dựng các kênh thông tin trên mạng xã hội công khai đủ mạnh để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, báo chí, mạng xã hội; xử lý kịp thời các sai phạm trong hoạt động thông tin, báo chí mạng xã hội.

    3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra dư luận xã hội. Nội dung điều tra dư luận xã hội phải bám sát những vấn đề, sự kiện mà nhân dân quan tâm, nhất là đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các chủ trương của địa phương; về thực thi công vụ, đạo đức, lối sống, phong cách công tác, quan hệ với nhân dân của cán bộ, đảng viên; về công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, trước khi ban hành, triển khai thực hiện càng phải tiến hành điều tra, nắm bắt dư luận xã hội. Đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ lãnh đạo tiếp công dân theo quy định. Qua đó, nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân về những vấn đề trên, giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đây là khâu rất quan trọng, cần thiết giúp lãnh đạo, quản lý của các cấp, các ngành biết được chủ trương của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống thế nào, biết được năng lực lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cũng như năng lực, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

    4. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận làm công tác dư luận xã hội trong hệ thống Ban Tuyên giáo và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội ở các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp cơ sở. Chú trọng tuyển chọn, xây dựng đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội là những chuyên gia, người am hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, kiên định lập trường, gương mẫu, có năng lực và tích cực tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân. Định kỳ thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật thông tin mới cho đội ngũ làm công tác dư luận xã hội và cộng tác viên; đầu tư hợp lý phương tiện, kinh phí cho lực lượng này hoạt động./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 110
  • Hôm nay: 12791
  • Trong tuần: 96,197
  • Tất cả: 11,551,990