Lượt xem: 15501

Tình yêu thương của Bác với thiếu niên, nhi đồng

Bác Hồ kính yêu luôn dành những tình cảm thương yêu tha thiết cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, những người chủ tương lai của đất nước. Với các cháu thiếu nhi, Bác Hồ là người Bác, người Ông vô cùng kính yêu, luôn thật gần gũi với các cháu và hết lòng thương yêu các cháu.

 


Bác Hồ chung vui với các em nhỏ trong ngày Quốc tế thiếu nhi (năm 1969). Nguồn tuyengiao.vn

 

    Trong bài thơ “Mười chính sách của Việt Minh” (1941), Bác viết: “Trẻ em, bố mẹ khỏi lo/ Đều do Chính phủ cấp tiền ăn cho” nói lên sự quan tâm sâu sắc đến tương lai của thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Ngày 21/9/1941, Bác viết bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” với những hình ảnh vô cùng cảm động. Bác thấy được nỗi khổ của kiếp đời nô lệ, trong đó có trẻ em, lứa tuổi thơ ngây phải chịu nhiều cơ cực nhất. “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan/ Chẳng may vận nước gian nan/ Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng/Học hành giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/ Mà đà khó nhọc cũng như người già/ Có khi lìa mẹ, lìa cha/ Để làm đầy tớ người ta bên ngoài”.

    Nỗi khổ ấy không kẻ nào khác ngoài lũ Nhật, Tây đang đè đầu cưỡi cổ dân ta! Cảnh “nước mất nhà tan” mà Bác chứng kiến thật đau lòng. “Vì ai nên nỗi thế này ?/Vì giặc Nhật, vì giặc Tây bạo tàn!/ Khiến ai nước mất nhà tan/ Trẻ em cũng bị cơ hàn xót xa”. Từ những tình cảnh đau thương ấy, Bác kêu gọi thiếu nhi góp sức nhỏ của mình vào công cuộc đấu tranh chung của dân tộc: “Vậy nên trẻ em nước ta/ Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh!/ Người lớn cứu nước đã đành/ Trẻ em cũng góp phần mình một tay/ Bao giờ đuổi hết Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.

    Ngày 21/11/1942, Bác viết bài thơ “Trẻ chăn trâu” rất cảm động về hình ảnh các cháu, tuổi còn nhỏ, không được học hành mà phải chăn trâu: “Chăn trâu mấy trẻ con con/ Cùng nhau xướng hát véo von trên gò/ Vì ai ta chẳng ấm no?/ Vì ai ta đã phải lo cơ hàn?/ Vì ai cha mẹ nghèo nàn?/ Vì ai nhà cửa, giang san tan tành”?/ Vì ai ngăn cấm học hành/ Vì ai ta phải chịu đành dốt ngây?/ Ấy là vì Nhật, vì Tây/ Ra tay vơ vét đọa đày chúng ta/ Làm cho tan cửa nát nhà/ Trẻ con vất vả, người già đắng cay”.

    Từ tấm lòng đồng cảm ấy, Bác có lời kêu gọi các cháu vào “Hội Nhi đồng cứu quốc” một cách chân tình, thiết tha: “Nhi đồng cứu quốc Hội ta/ Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh/ Ấy là bộ phận Việt Minh/ Dân mình khắc cứu dân mình mới xong/ Ai nghe mà chẳng động lòng/ Khá khen con trẻ mục đồng Việt Nam”.

    Với cháu Nông Thị Trưng, Bác dành những tình cảm thương yêu đối với một cháu gái người dân tộc Tày. Bác đã tặng cháu một quyển vở để viết bài học, động viên cháu để có một tương lai sau này: “Vở này ta tặng cháu yêu ta/ Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là/ Mong cháu ra công mà học tập/ Mai sau cháu giúp nước non nhà” (Tặng cháu Nông Thị Trưng).

    Tháng 8/1947, công cuộc trường kỳ kháng chiến có nhiều chuyển biến mới. Khắp nơi dấy lên phong trào thi đua lập công trong chiến đấu, trong sản xuất… Được tin có hai cháu liên lạc lập chiến công đặc biệt: Bị giặc bắt được nhưng trốn thoát và đưa được hai lính Tây ra hàng về cho đơn vị. “Bác được tin rằng/ Cháu làm liên lạc/ Bị giặc bắt được/ Lại trốn thoát ngay/ Mang hai lính Tây/ Về với bộ đội/ Thế là cháu giỏi/ Biết cách tuyên truyền/ Bác gửi lời khen/ Khuyên cháu gắng sức/ Học hành, công tác/ Tiến bộ luôn luôn/ Gởi cháu cái hôn/ Và lòng thân ái/ (…) Cháu có can đảm/ Giơ súng dọa Tây/ Bắt nó hàng ngay/ Lấy được súng nó/ Vì thành công đó/ Bác gửi lời khen/ Khuyên cháu tập rèn/ Ngày càng tiến bộ/ Bác lại gửi cháu/ Mấy chục cái hôn” (Khen tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội chiến khu II). Những nụ hôn ấm tình thương yêu của Bác đã giúp các cháu lớn lên, ngày càng trưởng thành trong cuộc sống, tuy các cháu còn nhỏ nhưng có tinh thần dũng cảm, mưu trí, gan dạ…

    Mỗi mùa Trung thu đến, các cháu thiếu niên nhi đồng lại náo nức đón chờ thơ Bác, náo nức đón chờ tình yêu thương bao la của người Ông kính yêu. Giữa núi rừng căn cứ địa Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, phía trời cao, ánh trăng Trung thu vẫn trong sáng lạ thường: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung” (Thư Trung thu 1951).

    Không những bày tỏ tấm lòng thương nhớ các cháu, Bác còn có những lời khuyên như tình thương của Ông Tiên hiền từ dành cho đàn cháu nhỏ: “Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh?/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh/ Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến/ Để gìn giữ hòa bình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh”          (Thư Trung thu năm 1952)

    Mỗi Trung thu về là một đổi thay của đất nước, của lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Các cháu càng khôn lớn, Bác càng vui lòng. Niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hòa trong những vần thơ chúc Tết Trung thu năm 1953 của Bác thật sinh động: “Chín Tết Trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần/ Phát động nông dân/ Cải cách ruộng đất/ Dân đỡ chật vật/ Hăng hái tăng gia/ Xóm gần cho đến xóm xa/ No cơm ấm áo theo đà tiến lên/ Chỉnh huấn chỉnh quân/ Bộ đội cố gắng/ Quyết chiến quyết thắng/ Giết giặc lập công/ Khắp nơi Nam Bắc Tây Đông/ Đưa tin thắng trận, cờ hồng tung bay/ Các cháu vui thay!/ Bác cũng vui thay!/ Thu sau so với thu này vui hơn”. (Gửi các cháu nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu  năm 1953).

    “Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi”! Đó là lời của Bác khi nói về Miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”. Hình ảnh các cháu thiếu niên nhi đồng miền Nam ruột thịt thân yêu luôn ở trong trái tim Bác Hồ. Nhớ thương các cháu và tin tưởng ngày thống nhất sẽ gặp mặt, thỏa lòng non nước chờ mong: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi” (Gửi các cháu miền Nam năm 1965).

    Giữa trăm ngàn công việc của một vị Lãnh tụ tối cao của dân tộc, Bác Hồ luôn dành cho thiếu niên, nhi đồng những tình cảm yêu thương vô bờ bến. Bởi các cháu là người chủ tương lai của đất nước, là những con người làm rạng danh đất Việt mai sau: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các cháu!”.

    Mỗi chúng ta hãy là những tấm gương sáng về mọi mặt trong cuộc sống, trong công tác để các cháu noi theo. Hãy quan tâm, chăm sóc các cháu thiếu niên, nhi đồng; hãy dành những gì tốt đẹp nhất về vật chất, về tinh thần cho các cháu, để các cháu luôn được học hành, được rèn luyện trong tình thương yêu của toàn xã hội.

Lê Đức Đồng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 105
  • Hôm nay: 9064
  • Trong tuần: 92,470
  • Tất cả: 11,548,263