Lượt xem: 857

Kỷ niệm 77 năm Nam bộ kháng chiến “Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Chiến tranh luôn là sự thử thách toàn diện đối với sức sống của một quốc gia, dân tộc. Dân tộc Việt Nam đối đầu với đế quốc thực dân Pháp là sự thử thách được coi là nghiêm trọng bậc nhất. Vận mệnh của một quốc gia, dân tộc mới vừa giành được độc lập có giữ được hay không, chế độ tồn vong thế nào, nhân tâm có rối loạn hay không… phụ thuộc rất lớn vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ! nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Nam bộ nói riêng rất tin tưởng vào động thái chiến lược của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ. 

 


Dân quân cứu nước Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến 1945. (Ảnh tư liệu- nguồn dangcongsan.vn)

 

    Vào ngày 23/9/1945, quân đội Anh đã làm ngơ cho quân Pháp bất ngờ đánh úp quân đội Việt Nam tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Song, do gặp phải sự kháng cự quyết liệt của lực lượng Việt Minh ở đây, đặc biệt là Liên khu Bình Xuyên, nên quân Pháp bị bao vây trong thành phố. Ngay sáng ngày 23/9/1945, chính quyền Nam bộ đã họp tại phố Cây Mai, Chợ Lớn, tham dự có các nhân vật quan trọng như: Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng… Hội nghị nhất trí điện ra Chính phủ Trung ương xin phép được kháng chiến và trên thực tế, quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã buộc phải đứng lên kháng chiến vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Hội nghị cũng thành lập Ủy ban kháng chiến Nam bộ do ông Trầu Văn Giàu làm Chủ tịch và Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn do ông Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch. Đến chiều ngày 23/9/1945, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ra tuyên cáo về sự kiện quân Pháp công nhiên đánh chiếm trụ sở Ủy ban hành chính Nam bộ và Quốc gia Tự Vệ Cuộc, đồng thời khẳng định quyết tâm kháng chiến của đồng bào Nam bộ.

    Ngày 24/9/1945, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra huấn lệnh gửi quân dân Nam bộ và đến ngày 26/9/1945, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chủ tịch gửi thư biểu dương lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Cùng ngày, Chính phủ ra lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân cả nước ủng hộ phong trào đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam bộ. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã thành lập các đoàn quân Nam tiến, Quỹ Nam bộ kháng chiến… và nhiều lần quyên góp ủng hộ, chi viện cho Nam bộ. Các tướng lĩnh quan trọng được cấp tốc cử vào Nam như Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn…

    Trước cuộc kháng chiến kiên cường của quân dân Nam bộ, buộc quân Pháp xin đình chiến từ ngày 30/9/1945, nhưng thực chất là đang chờ quân tiếp viện từ Pháp sang. Và sau khi bổ sung một trung đoàn quân bộ binh, một tiểu đoàn cơ giới, một đội thủy quân, thì đến ngày 12/10/1945 quân Pháp nổ súng trở lại và nhanh chóng phá vòng vây, rồi tiếp tục mở rộng vùng chiếm đóng xuống đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Ngày 25/10/1945, Pháp chiếm Mỹ Tho, Gò Công; ngày 29/10/1945 chiếm Vĩnh Long; ngày 30/4/1945 chiếm Cần Thơ.

    Trước sự lan rộng của cuộc chiến, ngày 25/10/1945, chính quyền Việt Nam tại Nam bộ họp hội nghị Thiên Hộ, đề ra những biện pháp để hạn chế của quân Pháp. Tại hội nghị cũng tiến cử ông Tôn Đức Thắng (Bác Tôn) làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến kiêm lãnh đạo các lực lượng vũ trang Nam bộ. Cuối tháng 12/1945, để củng cố các tỉnh miền Tây, chính quyền Việt Nam tại Nam bộ đã tước vũ khí quân Nhật ở Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Đây là nguồn vũ khí đáng kể đầu tiên của quân đội Việt Nam tại Nam bộ. Song, chiến sự tiếp tục lan rộng ở nơi đây. Vào tháng 01/1946, quân Anh - Pháp chiếm Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu và đến tháng 3/1946, quân Anh rút khỏi giao lại cho Pháp. Ngày 05/02/1946, quân Anh - Pháp đánh chiếm đất mũi Cà Mau. Từ đây, nhân dân Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến chống giặc Pháp toàn diện với tinh thần và lòng quả cảm “Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

    Ngày 03/01/1946, Tỉnh ủy Sóc Trăng phát lệnh thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, thì ngày 04/01/1946, quân Pháp từ Cần Thơ tiến đánh Sóc Trăng bằng hai ngả: Ngả thứ nhất đổ bộ lên từ cảng Đại Ngãi tiến theo kênh Saintard, ngả thứ hai từ Phụng Hiệp theo lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1A) tiến vào tỉnh lỵ Sóc Trăng. Quân và dân Sóc Trăng chống trả quyết liệt, nhưng vì cuộc chiến diễn ra không cân sức, cuối cùng, tối ngày 04/01/1941, thực dân Pháp chiếm được tỉnh lỵ Sóc Trăng và các ngày sau đó đánh chiếm các vùng lân cận. Mặc dù được trang bị vũ khí thô sơ, không bằng quân địch, nhưng quân và dân Sóc Trăng chiến đấu quyết liệt, xứng đáng cùng với quân, dân Nam bộ được nhận danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng.

    Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng sát cánh cùng quân dân Nam bộ và cả nước vừa chiến đấu, vừa động viên nhau tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến; xây dựng, củng cố vùng tự do thành căn cứ địa cách mạng vững mạnh. Và xuyên suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trước kẻ địch mạnh, quân và dân Nam bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã luôn tìm ra cách thức kháng chiến phù hợp. Cuộc kháng chiến với ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do, vì hòa bình rất mãnh liệt của quân, dân Nam bộ, cả dân tộc Việt Nam, trong đó có quân và dân Nam bộ nên phải bền bỉ chiến đấu với quân xâm lược đến thắng lợi cuối cùng./.

Lê Trúc Vinh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 94
  • Hôm nay: 1665
  • Trong tuần: 86,965
  • Tất cả: 11,554,021