Lượt xem: 2111

Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020: Sóc Trăng xếp hạng thứ 19/63 tỉnh, thành phố

Chiều ngày 24-6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số hài lòng, về sự phục vụ hành chính năm 2020 và Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng, dự hội nghị, có đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.

 


Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Ánh Phúc

 

    Theo báo cáo, giá trị trung bình chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 87,56%, tăng 1,93% so với năm 2019, đồng thời tăng 12,18% so với năm 2012, năm đầu tiên sử dụng công cụ Chỉ số để đánh giá CCHC của các bộ, các tỉnh. Chỉ số CCHC năm 2020 đạt giá trị trung bình cao nhất trong 09 năm triển khai xác định Chỉ số CCHC. Theo đó, kết quả chỉ số CCHC năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục tập trung vào 02 nhóm điểm: Nhóm đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90% gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp và nhóm đạt kết quả chỉ số CCHC trên 80% đến dưới 90% gồm 14 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại. Kết quả CCHC năm 2020 của các tỉnh, thành phố được phân theo 03 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên, gồm 02 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh và Hải Phòng; nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% đến dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố và nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70 đến dưới 80%, gồm 05 tỉnh, thành phố. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng đạt chỉ số CCHC là 85,19%, tăng 3,16%, xếp hạng thứ 19/63 tỉnh, thành, bằng với thứ hạng của năm 2019.

    Riêng công tác đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức (NDTC) đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 được triển khai chặt chẽ. Kết quả, có 85,48% NDTC hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong phạm vi cả nước; 63 tỉnh nhận được sự hài lòng của NDTC về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh nằm trong khoảng từ 75,68 - 95,76%. So với năm 2019, có 49/63 tỉnh nhận được sự hài lòng của NDTC về sự phục vụ của cơ quan hành chính của tỉnh tăng và 14/63 tỉnh giảm. Riêng tỉnh Sóc Trăng, Chỉ số hài lòng của NDTC về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là 88,67%, tăng 3,15%, xếp hạng thứ 14/63 tỉnh, giảm hạng so với năm 2019.

    Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Trung tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính cũng như Chỉ số CCHC và xem đây là công cụ quan trọng, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển KT- XH của đất nước. Qua đó, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong triển khai thực hiện nhằm nâng cao các chỉ số về sự phục vụ hành chính và CCHC. Đồng thời, chỉ ra một số hạn chế, như: Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm đúng mức trong việc thúc đẩy CCHC, quá trình triển khai giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính vẫn còn chậm, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Việc khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, dịch vụ bưu chính công ích kết quả, hiệu quả chưa cao. Một số nội dung của cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước chưa đạt yêu cầu. Tại một số địa phương, kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn ở mức khiêm tốn. Qua đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đề nghị trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt, đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa công tác CCHC, nhằm tạo điều kiện môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khởi nghiệp, đầu tư trong nước, nhất là đón nhận làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những hạn chế, tồn tại, phát huy những mặt đạt được trong CCHC, coi công tác này là khâu quan trọng, mang tính đột phá nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xây dựng quy trình xử lý hồ sơ ngắn, gọn, có thời hạn, hướng dẫn cụ thể cho người dân. Cần rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy, kiện toàn chức năng nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công theo quy định; đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; đơn giản hóa quy trình dịch vụ các TTHC thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo trong tương lai.

Ánh Phúc



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 127
  • Hôm nay: 11053
  • Trong tuần: 94,459
  • Tất cả: 11,550,252