Lượt xem: 513

Những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Qua 10 năm triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu để chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện các luật theo đúng chức năng và thẩm quyền được giao; bộ máy quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường các cấp từng bước được kiện toàn và hoạt động hiệu quả; công tác tuyên truyền, phổ biến về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng.

 


Ảnh minh họa

 

    Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, khoáng sản và đất đai có nhiều chuyển biến tích cực và từng bước đi vào nền nếp; các ngành, các cấp quan tâm và thực hiện tốt nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản được điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng và có quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo phục vụ lâu dài cho phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng môi trường đô thị, môi trường nông thôn dần được khắc phục và cải thiện. Nhiều biện pháp, giải pháp đã được tập trung thực hiện nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các loại chất thải phát sinh từ quá trình sinh hoạt và sản xuất được thu gom, xử lý chặt chẽ hơn.

    Công tác tuyên truyền, phổ biến về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, người dân về tác hại của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và ý thức hơn về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” đã được triển khai thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường các cấp từng bước được kiện toàn và hoạt động hiệu quả; các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh được thực hiện đầy đủ và kịp thời.

    Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, luôn quan tâm đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh, công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn. Đến nay, tỉnh đã xây dựng cũng như ban hành những cơ sở pháp lý để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng như: Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; phương án phòng tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào tỉnh; ban hành Quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.

    Từ những nỗ lực trên, kết quả sau 10 năm thực hiện nhóm nhiệm vụ cụ thể liên quan đến 3 lĩnh vực “ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” như sau:

    - Về ứng phó với biến đổi khí hậu

    Công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trong những năm qua luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo. Hằng năm, tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Kế hoạch ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; Phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn; Kế hoạch nâng cao đề án nâng cao nhận thức cộng đồng; thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; xây dựng quy chế trực ban phòng, chống thiên tai trên địa bàn các cấp.

    Để giải quyết, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng, có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và các vấn đề liên kết trong vùng có liên quan đến tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã kịp thời ban hành quyết định thành lập Tổ điều phối phát triển tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020-2025 và liên kết với các tỉnh lân cận thực hiện việc ký Biên bản ghi nhớ triển khai việc xây dựng Đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau, bao gồm 9 lĩnh vực trọng tâm.

    Bên cạnh công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo Đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau, giai đoạn 2013-2022, tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (phân bổ vốn ODA), nguồn vốn sự nghiệp, ngân sách địa phương và vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế,... Các cấp uỷ, chính quyền tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thường xuyên quan trắc độ mặn, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến của tình hình xâm nhập mặn, mưa bão, triều cường,... để các cấp, các ngành và người dân chủ động ứng phó.

    Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với những nỗ lực của các ngành, các cấp, công tác phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng trong những năm qua đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề an sinh xã hội của nhân dân trong tỉnh.

    Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ và phát triển diện tích hệ thống rừng phòng hộ ven biển nhằm tạo vành đai chắn sóng, giảm nhẹ thiên tai. Đến năm 2022, diện tích rừng toàn tỉnh là 10.245,87 ha (trong đó, rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển là 6.814,04 ha), tỷ lệ che phủ rừng đạt 2,54%; ưu tiên đầu tư phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung phổ biến rộng rãi công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm nguyên liệu công nghiệp, biogas và khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân vô cơ; nghiên cứu, hợp tác xây dựng các mô hình giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; thực hiện lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng, thông qua phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

    - Về quản lý tài nguyên

    Tỉnh luôn chú trọng công tác quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia. Các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn có liên quan; lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Hậu thuộc khu vực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020; rà soát, lồng ghép phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản vào Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, chủ yếu là đối với cát lòng sông làm cơ sở để cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật; bố trí nguồn ngân sách của tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ, dự án trong lĩnh vực khoáng sản.

    Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là khai thác cát lòng sông Hậu. Theo số liệu của Đề án điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản khu vực biển ven bờ tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ 1/100.000 do Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện, nguồn tài nguyên khoáng sản biển ven bờ của tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cát biển khá lớn (khoảng 13,9 tỷ m3); có thể khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

    Để công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, những năm qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã tiến hành thẩm định và cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân đảm bảo yêu cầu; tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản, giảm đáng kể tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không phép.

    Tài nguyên nước (bao gồm nước dưới đất và nước mặt) của tỉnh khá phong phú; đặc biệt, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, từ nguồn nước Sông Hậu chảy qua ở phía Bắc của tỉnh và sông Mỹ Thanh chảy qua ở phía Đông Nam, đây là những nguồn cung cấp nước chủ yếu của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn nước dưới đất và nguồn nước mặt ở một số khu vực bị ô nhiễm do ảnh hưởng từ nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nước thải sinh hoạt chưa được xử lý đúng quy định. Ngoài ra, do đặc điểm tự nhiên, phần lớn nguồn nước mặt của tỉnh bị nhiễm mặn vào mùa khô nên cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng nước.

    Để tăng cường quản lý nguồn nước, tỉnh đã triển khai lập quy hoạch nguồn nước mặt của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, lập Dự án xây dựng danh mục và phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, báo cáo và tiến hành trám lấp các giếng khoan theo quy định; chủ động ngăn ngừa, kiểm soát, hạn chế tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; theo dõi, cập nhật đầy đủ thông tin về chiều sâu mực nước hạ thấp hàng năm; triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

    Công tác cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện ngay sau khi Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành. Đến năm 2022, tỉnh đã cấp 633 giấy phép. Qua kiểm tra, giám sát, phần lớn các tổ chức, cá nhân sau khi được cấp phép đã thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung quy định trong giấy phép. Việc triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất nước cuộc sống cho nhân dân trong tỉnh.

    Đối với tài nguyên đất, công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 10 năm qua được thực hiện đồng bộ đảm bảo theo quy định của Luật Đất đai. Theo Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Sóc Trăng đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 108/NQ-CP, ngày 16/8/2018, sau 05 năm triển khai thực hiện đất nông nghiệp đạt 106,15%, tương đương 279.276 ha; đất phi nông nghiệp thực hiện đạt 73,25%, tương đương 49.881 ha; đất chưa sử dụng theo phê duyệt đến năm 2020 không còn đất chưa sử dụng, diện tích thực hiện đến 31/12/2020 là 663 ha, phân bố chủ yếu ven các sông lớn, bờ sông và khu vực ven đê biển trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu và huyện Cù Lao Dung. Theo chỉ tiêu Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phân bổ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích đất chưa sử dụng sẽ đưa vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp.

    Về công tác quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương trong tỉnh; tổ chức thẩm định sản phẩm kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 11/11 huyện, thị xã, thành phố.

    Ngoài ra, tỉnh rất quan tâm việc phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng trên các phương tiện truyền thông; qua đó, bước đầu góp phần tăng cường nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất. Qua tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân quan tâm sử dụng năng lượng sạch, đến nay có trên 1.024 đơn vị, tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 89,4 MWp. Ngoài ra, tỉnh thực hiện dự án lắp đặt thí điểm điện mặt trời áp mái tại trụ sở làm việc của 4 cơ quan nhà nước với tổng công suất là 60 KW; thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công nghệ giảm lượng phát thải khí nhà kính, hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất theo công nghiệp sạch, ít các-bon.

    Để đẩy mạnh đầu tư phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng quốc gia nói chung và tổng năng lượng của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, tỉnh đã lập Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3909/QĐ-BCT, ngày 06/5/2014 và danh mục bổ sung các dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ thống nhất tại Công văn số 795/TTg-CN, ngày 25/6/2020; phê duyệt và bổ sung quy hoạch 20 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất 1.435MW. Đến nay, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng công suất 1345,2 MW.

    Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đã đề xuất Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quy hoạch một số vị trí điện gió đưa vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất 6.358MW (trong đó, điện gió trên bờ 1.108MW, điện gió ngoài khơi 5.250MW); điện mặt trời nối lưới tổng công suất 1.177MW; Nhà máy phát điện sử dụng chất thải rắn công suất 15MW; Nhà máy điện sinh khối công suất 25MW.

    - Về bảo vệ môi trường

    Công tác phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, giấy phép môi trường được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; công tác quan trắc môi trường được tỉnh thực hiện hằng năm, đã cung cấp kịp thời cho các ngành, địa phương trong tỉnh về diễn biến chất lượng các thành phần môi trường; kịp thời đề ra những biện pháp hạn chế, khắc phục khi phát hiện ô nhiễm.

    Để xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Sóc Trăng tiên tiến và từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phục vụ có hiệu quả cho công tác xử lý, khắc phục, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã phê duyệt dự án Đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động phục vụ nuôi trồng thủy sản kết hợp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017-2018.

    Việc kiểm soát, xử lý nước thải, chất thải y tế, chất thải rắn trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Các ngành, các cấp chú trọng triển khai thực hiện các dự án đầu tư xử lý nước thải và ban hành các quyết định, đề án xử lý ô nhiễm chất thải y tế; lập và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Đến nay, tỉnh đã đầu tư 1 nhà máy xử lý rác thải tập trung công suất xử lý khoảng 160 tấn rác thải sinh hoạt/ca (320 tấn rác thải/ngày), với công nghệ xử lý là chôn lấp hợp vệ sinh kết hợp ủ phân vi sinh và tái chế, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa; 36 bãi rác tập trung trên địa bàn 10 huyện, thị xã, qua đó giúp cho công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt trên toàn tỉnh cơ bản đảm bảo yêu cầu; triển khai xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

    Các cấp, các ngành phối hợp theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Khu công nghiệp An Nghiệp, các dự án, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thường xuyên phát sinh ô nhiễm; buộc phải chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải ra môi trường; thường xuyên kiểm soát các phương tiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, các cơ sở thu mua sơ chế phế liệu, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, các tranh chấp khiếu nại do tình trạng ô nhiễm môi trường; nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo quy định./.

Hồng Nhi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 63
  • Hôm nay: 8184
  • Trong tuần: 89,541
  • Tất cả: 11,652,395