Lượt xem: 2578

Đặc điểm nghi thức cúng Tổ Rô băm

Rô băm Khmer Nam bộ được xem là một loại hình sân khấu kịch múa dân tộc độc đáo và duy nhất của Việt Nam từ xưa đến nay. Đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ là một trong số rất ít dân tộc thiểu số ở Việt Nam có được loại hình nghệ thuật sân khấu riêng của mình, mà mảnh đất hình thành và phát triển của nó có lẽ không đâu khác hơn là vùng đất “Ba Thắc” ngày xưa, tức Sóc Trăng ngày nay.

    Ngoài những đặc điểm về nghệ thuật, sân khấu Rô băm của dân tộc Khmer Nam bộ còn có các nghi thức cúng Tổ Rô băm như sau:

    Đối với  quan niệm của người Khmer, làm bất cứ ngành nghề nào cũng đều có tổ nghiệp, gọi là “Kru đơm” (ông tổ gốc). “Ông tổ” của từng nghề được người Khmer quan niệm là người đứng đầu, khai sinh ra nghề nghiệp hay người thầy trực tiếp truyền nghề cho họ. Người Khmer rất tôn sùng thầy dạy, vì ai cũng ý thức rằng: Tổ sư hay thầy dạy đều là người đầu tiên khai thông sự hiểu biết và dạy cho họ có một nghề nghiệp trong tay để vào đời kiếm sống. Do đó, hằng năm, họ tri ân thầy dạy, tổ sư bằng lễ cúng Tổ. Xuất phát từ quan niệm đó, nên trước khi hành nghề, người ta đều phải có nghi thức lễ cúng để tạ ơn tổ nghiệp. Trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn của người Khmer như âm nhạc, sân khấu đều có nghi thức cúng tổ, gọi là “Pithi thvai Kru” ( nghĩa là lễ cúng thầy). Nghi thức cúng tổ riêng của các loại hình dàn nhạc, có: Lễ cúng tổ dàn nhạc ngũ âm “thvai kru Vông phlêng Pinn Peat”, nghi thức cúng tổ dàn nhạc đám cưới “thvai kru Vông phlêng Ka”, nghi thức cúng tổ dàn nhạc Arăk “thvai kru Vông phlêng Arăk”…  Riêng đối với hai loại hình sân khấu Rô băm và Dù kê, về cơ bản nghi thức cúng tổ cũng tương tự như nhau, từ các giai đoạn cúng tổ cho đến việc sử dụng các lễ vật. Điểm khác nhau trong nghi thức cúng tổ giữa sân khấu Rô băm và Dù kê là ở phần âm nhạc: Sân khấu Dù kê  phải sử dụng nhạc cụ đúng theo quy định cũng như các bài hát bản nhạc phục vụ cho cúng tổ, còn sân khấu Rô băm thì đơn giản hơn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đi sâu vào nghi thức cúng tổ của nghệ thuật sân khấu Rô băm Bưng Chông tỉnh Sóc Trăng.


Bàn thờ cúng Tổ Rô băm tại Bưng Chông (ảnh tác giả chụp khi đi điền dã)

 

    Theo quy định từ thời xa xưa, bất cứ đoàn hát Rô băm nào cũng đều có thờ Tổ. Trước khi đi biểu diễn nơi xa, ông bầu thường đích thân tổ chức lễ cúng tổ ngay tại tư gia. Lễ này cũng nhằm tụ tập các diễn viên về đông đủ và thông báo cho biết thời gian lên đường đi lưu diễn để họ chuẩn bị và thu xếp việc gia đình; đồng thời, nghi lễ này còn mang ý nghĩa: Gây niềm tin cho mọi người, thúc đẩy tinh thần phấn chấn, thắt chặt thêm tình bằng hữu nghề nghiệp và cùng nhau thề nguyện trước bàn thờ tổ, quyết tâm tạo cho được gắn kết vật chất và tinh thần trong chuyến lưu diễn.

    Sân khấu Rô băm là sân khấu diễn xướng và cũng là một sân khấu nghi lễ. Diễn Rô băm đáp ứng được những ước mơ, niềm tin của người dân. Như đã nói, người dân Khmer rất tin vào nhân quả, bởi thế mà việc thờ cúng Tổ chính là cách thể hiện sự biết ơn tổ tiên, những người thầy đã tạo dựng nên nền nghệ thuật sân khấu này. Người Khmer quan niệm nếu không thờ cúng Tổ thì cũng giống như con cháu làm điều gì đó mà quên đi ông bà, cha mẹ mình vậy.

    Người Khmer tin rằng nghi lễ cúng Tổ là cách thức giao lưu với thần linh. Họ báo cáo cho thần linh những công việc của mình, từ đó, sẽ nhận được sự phù hộ và những phép màu của các vị thần khiến họ diễn thật hay, thật khoẻ, thật có hồn.

    Lễ cúng Tổ có thể nói là một nghi thức hết sức quan trọng và thiêng liêng đối với các đoàn Rô băm. Trước đây, nghi lễ này được thực hiện hết sức trang nghiêm và phải đầy đủ các lễ vật. Ngày nay các đoàn Rô băm cũng giảm đi vài lễ thức phức tạp nhưng không vì thế mà giảm đi sự trang trọng và thành kính.

    Tại Sóc Trăng, Đoàn Rô băm Bưng Chông, Trần Đề tổ chức lễ cúng Tổ gồm những lễ vật sau: Đầu heo luộc; gà luộc; tấm vải trắng 5 hak (1 hak = 1 cùm tay (từ cùi chỏ tới lòng bàn tay); 5 hak là khoảng 2m); tấm vải đỏ 5 hak; bánh ngọt; cốm nổ; Chom neak ta (Sla thor); Sala chrom: 2 cái - bên 5 tầng, bên 7 tầng (Sala chorm được làm giống như một hình nón gồm thân cây chuối được trang trí với lá trầu và trái cau); Bay sei 5 tầng; gạo rảy phép; rượu; trà; huyết heo tươi; trái cây; nhang; đèn cầy; bạc cắc 4 miếng để trên gạo có cắm đèn cầy; trứng gà.

    Khi xuống các địa phương khác diễn, đoàn Rô băm tiếp tục cúng Tổ như trên nhưng lễ vật không có đầu heo luộc và vải đỏ. Ngoài ra, họ còn cúng xin phép ông Tà tại địa phương đó và cứ mỗi đêm diễn phải cúng cho Tổ một quả trứng tươi.

    Sau khi mọi người đã tề tựu đông đủ, ông bầu (trưởng đoàn) sẽ thắp nhang khấn vái và làm lễ. Sau đó hát bài gọi Tổ về. Trong bài hát cúng Tổ, thường nhắc đến bốn nhân vật mà người Khmer Nam bộ rất kính sợ. Những vị thần linh này là vết tích của tín ngưỡng Arăk đã tồn tại và in dấu ấn sâu thẳm trong tâm thức người Khmer: (1) Prey pone (Vua quỷ): Là quỷ rất dữ. (2) Chinh Teo Óc (Bà cô Óc - quỷ). (3) Chinh Teo Tây (Bà cô Tây - quỷ). (4) Cầne Tôn Khiêu (quỷ).

    Nội dung của bài hát kêu tên các vị này, mời về dùng lễ vật và phù hộ cho con cháu. Đoàn Rô băm cầu xin các vị Tổ nhập hồn, nhập xác vào mắt, mặt, mũi, tay chân để diễn viên diễn thật hay, múa dẻo, thật có hồn khiến cho khán giả mê thích. Sau khi làm lễ, ông bầu sẽ lấy chén gạo rải khắp lên đạo cụ và các mặt nạ với ý nghĩa tiếp nhận sự chứng nhận và phép màu từ các vị Tổ. Sau khi cúng Tổ xong, cả đoàn sẽ đồng thanh kêu to 3 lần “Yeak O” (chiến thắng) và rồi mở màn diễn.

    Nghệ thuật sân khấu Rô băm Khmer Nam bộ đã tồn tại và phát triển tại Đồng bằng sông Cửu Long trên hai thế kỷ, được xem là tinh hoa, mẫu mực, là đỉnh cao về nghệ thuật múa cổ điển của người Khmer. Sở dĩ sân khấu Rô băm đạt được những thành tựu đó là do sự đóng góp công lao của biết bao nghệ nhân Khmer tài giỏi qua nhiều thế hệ, trong đó nghi thức cúng Tổ Rô băm mang đậm dấu ấn và nét văn hóa tâm linh rất riêng của người Khmer Sóc Trăng nói riêng và Khmer Nam bộ nói chung./.

Anh Võ -  Chi hội Văn nghệ dân gian Sóc Trăng

 

 

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    + Phan An, Nguyễn Xuân Nghĩa: Dân tộc Khmer. Trong “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (các tỉnh phía Nam). Nxb KHXH, Hà Nội, 1980.

    + Nguyễn Khắc Cảnh: Vấn đề nguồn gốc và sự hình thành cộng đồng người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7/1996.

    + Nguyễn Khắc Cảnh: Phum, sóc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Nxb Giáo dục,1998.

    + Nguyễn Đăng Duy: Văn hóa tâm linh. Nxb Hà Nội,1996.

    + Nguyễn Tấn Đạt:Riêm Kê” (dịch), Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tháng 7/1984.

    + Lê Hương: Người Việt gốc Miên. Nxb Sài Gòn, 1969.

    + Sơn Lương: Bản sắc văn hóa người Khmer tỉnh Sóc Trăng, Luận văn tốt nghiệp Đại học Đông Nam Á, 1998.

    + Phạm Anh Hoan - Hứa Sani: Chùa - Trung tâm sinh họat văn hóa tinh thần của người Khmer. Tạp chí Bông sen, số 10/2002.

    + Nguyễn Đình Phúc: Vài nét về văn nghệ truyền thống Campuchia. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội-1981.

    + Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ. Nxb Tổng hợp Hậu Giang-1988.

+ Về sân khấu truyền thống Khmer Nam bộ. Sở VHTT Sóc Trăng, Phân viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh-1998.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 110
  • Hôm nay: 9079
  • Trong tuần: 92,485
  • Tất cả: 11,548,278