Lượt xem: 373

Đào tạo nghề là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19). Nghị quyết này nhấn mạnh, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu hằng năm mà Nghị quyết 19 đưa ra, là đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn. Sóc Trăng là tỉnh thuần nông, nếu như toàn tỉnh có khoảng 1,2 triệu dân thì 70% dân số sống nhờ nông nghiệp, nên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại. Qua đào tạo, không những góp phần nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để bà con ứng dụng trong sản xuất, gia tăng lợi nhuận mà còn tạo ra sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn.

 


Các chị em tại Phường 3, thị xã Ngã Năm học nghề đan đác

 

    Tại khóm Vĩnh Mỹ, Phường 3, thị xã Ngã Năm, qua bàn tay khéo léo, giờ đây các chị đã khoác lên mình “chiếc áo mới” cho cây năn tượng, loại cây vốn mọc dại này. Những món đồ thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường, điêu luyện trong từng chi tiết không những được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài. Tận dụng những lúc nhàn rỗi để làm, bình quân mỗi chị kiếm được 100 ngàn đồng/ngày. Có công việc mới này là nhờ vào đầu tháng 10 vừa qua, các chị đã được theo học lớp dạy nghề đan đát thủ công mỹ nghệ do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm phối hợp với công ty MCF Việt Nam tổ chức.

    Chị Đặng Thị Thúy Loan ở Phường 3, thị xã Ngã Năm chia sẻ: Tôi học có mấy buổi là biết làm và sau đó tôi đem về nhà làm; trung bình mỗi ngày làm được 3 cái giỏ cũng được 100 ngàn đồng, bà con ở đây phấn khởi lắm.

    Cô Đặng Thị Bé Tám ở Phường 3, thị xã Ngã Năm cho biết: Tôi học được 2 tuần cũng đã đan được. Mỗi ngày tôi đan được 3 cái giỏ, được 100 ngàn đồng, tôi mừng lắm, nhờ cái nghề đan được học này mà chị em tôi có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định.

    Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm đã tổ chức 14 lớp đan đát với 361 học viên. Hiện nay, tại vùng nông thôn trên địa bàn thị xã nghề đan đát rất phát triển.

    Trở lại Tổ hợp tác đan lục bình ở ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Bình; đã 4 năm trôi qua kể từ ngày học nghề nhưng các chị nơi đây vẫn miệt mài duy trì. Từ 9 chị ban đầu khi mới thành lập tổ hợp tác, thì nay đã có đến 200 thành viên. Tất cả sản phẩm làm ra đều được Công ty TNHH MTV Ngọc Hương thu mua, với mỗi sản phẩm sau khi hoàn thành, các chị kiếm được từ 6.000 -17.000 đồng. Tùy theo sự khéo léo đan nhanh hay chậm mà một ngày thu nhập các chị dao động từ 70.000 – 200.000 đồng.

    Chị Nguyễn Kim Liên - Tổ trưởng Tổ hợp tác đan thủ công mỹ nghệ xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm cho biết: Từ khi có nghề tay trái này thì đời sống chị em ổn định hơn, cũng phụ được tiền điện nước, lo cho con cái đi học. Trung bình một ngày mỗi chị có thu nhập từ 120.000-150.000 đồng, có chị đan giỏi thì trên 200.000 đồng.

    Bên cạnh các nghề phi nông nghiệp, thì việc đào tạo các nhóm ngành nông nghiệp gắn liền với thực tế sản xuất của nông dân địa phương là điều đặc biệt được các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên quan tâm. Với sự nỗ lực của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố; trong 10 tháng qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động; trong đó, có lao động nông thôn và nhiều lao động đào tạo nghề thuộc nhóm ngành nông nghiệp.

    Đồng chí Lục Bích Phúc - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: Nghị quyết 19 cũng đã xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đối với tỉnh ta, xác định đào tạo nghề là khâu đột phá góp phần nâng cao trình độ năng lực của người dân. Với mục tiêu này, trong suốt những năm qua, tỉnh đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt nhiều kết quả, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, quy mô đào tạo được nâng cao, nhất là đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, nông dân trực tiếp sản xuất. Hiện nay, tỷ lệ qua đào tạo nghề chiếm trên 55%, so với năm 2011 tăng hơn 16% và tăng hơn 6% so với năm 2015.

    Ngoài Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thì Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra, mục tiêu đến năm 2025 số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp lợi thế của tỉnh chiếm 25% trong tổng lao động được đào tạo. Hiện tỉnh Sóc Trăng đang hiện thực hóa 2 nghị quyết này, để đào tạo nghề là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại.

Kim Sang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 103
  • Hôm nay: 3674
  • Trong tuần: 88,974
  • Tất cả: 11,556,030